Tranh Salvador Dali

XIN CHÀO CÁC BẠN ĐẾN VỚI BLOG PHẠM HỮU HOÀNG

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

THẰNG NGẬT


Không biết từ lúc nào, ở làng Nam Hạ lưu truyền câu đồng dao “ Thằng Ngật mà gật cái đầu. Cả trời Nam Hạ lệ sầu chứa chan.” Câu hát ấy, thuở ấu thơ tôi đã từng hát khi cùng đám bạn nhỏ quần đùi, chân đất chăn bò trên một cái gò lớn đầu làng. Cuối gò, chỗ tiếp giáp dòng sông có một mô đất cao. Đầu mô đất có một cái bia khắc chữ Hớn. Cái bia ấy mới phục hồi lại, vì hồi chiến tranh, bom đạn cày xới chỉ còn cái đế bằng đá ong lởm chởm. Qua lời kể của các bậc cao niên, đây là nấm mộ của cử nhân Dương Điền. Cái chết Dương Điền có liên quan đến câu đồng dao mà không đứa trẻ nào lớn lên ở Nam Hạ lại không thuộc.
    

  Tôi đến từ đường họ Dương. Đó là một ngôi nhà cổ lá mái ba gian, nằm lọt thỏm trong khu vườn rộng cây lá um tùm. Người giữ từ đường là cụ Dương Nguyễn. Cụ tiếp tôi rất niềm nở. Cụ mời tôi ngồi trên tấm phản gỗ mun kê bên trái gian nhà thờ. Bàn thờ sạch bóng đặt nhiều bài vị theo thứ bậc. Tôi biết cụ từ lâu, trong các ngày tế lễ ở làng cụ thường được chọn là người tế chủ. Nhưng do cách biệt về tuổi tác, do bận rộn việc mưu sinh, tôi phải rày đây mai đó nên chưa có dịp nào cùng với cụ chuyện trò với nhau. Cụ Dương Nguyễn là người xuề xòa, dễ tính. Cụ rót nước trà vào hai cái tách bằng sứ để trên cái khay gỗ cẩn xà cừ, rồi vừa mời tôi, vừa cầm một tách kề lên miệng nhấp một ngụm. Chờ cụ đặt tách trà xuống khay, tôi gợi chuyện. Cụ có vẻ hào hứng khi kể về những sự việc xảy ra cách đây hàng trăm năm ở làng. Những sự việc mà chỉ có người cả đời gắn bó máu thịt với làng như cụ mới lưu giữ mãi trong tâm khảm. Tôi hỏi về cử nhân Dương Điền, cụ nhỏ nhẹ : 

     – Dương Điền là người tài hoa của tộc họ Dương. Gia phả đã chép khá tỉ mỉ. Người đời sau khi tu chỉnh lại gia phả cũng không sửa một câu một chữ. Cháu đọc rồi khắc biết. Cụ bước xuống phản, lại chỗ tủ thờ, mở ngăn kéo lấy cuốn gia phả đưa cho tôi xem. Cầm cuốn gia phả, tôi hồi hộp lật từng trang, từ lúc cụ Tổ họ Dương lập nghiệp ở Nam Hạ đến các chi nhánh, những cái tên, năm sinh, năm mất, sự nghiệp công danh... Những dòng ghi về Dương Điền, ngoài số liệu, sự việc, mỗi câu mỗi chữ như chất chứa nỗi đớn đau, căm hờn dồn nén. Dương Điền bị hại dưới triều vua Tự Đức, hưởng dương hai mươi chín tuổi. Người chấp bút có lẽ là tri kỉ, đồng điệu như muốn gởi lại cho đời sau chia sẻ số phận bi thương của một con người. Từ những dòng chữ trên cuốn gia phả, chắp nối những mảng đời qua lời kể của cụ Dương Nguyễn và của người làng, câu chuyện hồi đó dần hiện ra. Cũng vẫn là chuyện về một con người...  Thuở ấy, lão phó tổng Hách ở Nam Hạ giàu tới mức nứt đố đổ vách. Hách rất mê ngựa. Tàu ngựa nhà lão ta đầy ngựa tốt. Lão còn sai thằng con trai tên Ngật đi cùng người nô bộc sang Trung Hoa, lặn lội lên tận vùng Nội Mông phương Bắc mua cho được giống ngựa Mông Cổ. Ngày ngựa về, lão sướng vô kể, cho bày tiệc rượu mừng linh đình. Lão uống say lúy túy, rồi đột nhiên đứng dậy, lảo đảo bước đến chỗ con ngựa đực lực lưỡng, cao lớn, đứng lạ lẫm, ngơ ngác. Mấy con ngựa cái bên cạnh nhớn nhác sợ hãi. Với thái độ tự tin của kẻ sành ngựa, lão xáp lại, miệng cười khà khà, tay vỗ vỗ vào bờm ngựa, rồi lần ra sau, đột ngột thò tay mò vào đùm dái. Con ngựa oằn mình, dậm chân, ngước đầu hí vang. Đám khách khứa trố mắt nhìn, thích thú cười sặc sụa. Chuyện lão Hách cả gan mò dái ngựa vừa lan truyền được ít hôm thì xảy ra chuyện. Vào lúc trưa, lão Hách ăn giỗ nhà người bà con về. Không vào nhà, lão ngật ngưỡng xuống tàu ngựa. Lát sau, từ tàu ngựa có tiếng ngựa hí và tiếng hét rợn người. Người nhà hoảng hốt chạy tới. lão Hách nằm co quắp. Áo quần xộc xệch, bẩn thỉu. Mắt trợn trừng, khuôn mặt méo mó. Con Ngựa đực Mông cổ đứng bên cạnh . Người nhà cho rằng lão ta vào tàu mò dái ngựa, bị nó đá nhằm chỗ hiểm chết. Có người còn đế thêm, giống ngựa Mông Cổ quen mùi thảo nguyên phóng khoáng, không chịu nổi mùi rượu đế nồng nặc...Ngật đứng ra lo hậu sự. Hắn lệnh cho đám người nhà không được bàn tán về cái chết cha hắn. Đám tang thật lớn. Khách gần xa đến viếng đông nườm nượp, đồ phúng điếu nhiều không kể xiết. Bảy ngày sau mới di quan, từ cỗ quan tài bốc mùi hăng hắc tanh lợm. Từ khi lão Hách chết cho tới lúc hạ huyệt, Ngật vẫn không một giọt nước mắt.




     Bấy giờ, quan tri huyện Nam Ngãi cáo lão về quê. Triều đình bổ nhiệm viên quan mới tên Thăng, người xứ Quảng. Được ít lâu, tri huyện Thăng kêu đám nha lại vào bảo :
   – Huyện Nam Ngãi chưa được coi là trung nghĩa của triều đình. Đất này trước đây đã từng theo giặc Tây Sơn. Đức Thế Tổ phải trải qua biết bao gian lao, tốn hao không ít xương máu mới bình định được. Nay các ngươi gắng sức giúp ta vỗ yên lòng người, có vậy mới không phụ thiên ân của nhà vua. Một người trong bọn thưa :
  – Bẩm quan, ngài cứ ra lệnh, chúng tôi sẽ hành sự, không sai mảy may. Tri huyện Thăng ra vẻ hài lòng. Quan chậm rãi nói tiếp :
  – Việc lập ra hội tư văn là để tập hợp các thân hào nhân sĩ giúp ta trong việc giữ nghiêm phép vua. Vậy mà có mấy kẻ cứng đầu, khó bảo. Đứng đầu bọn ấy là Dương Điền. Hắn cậy khoa bảng, tỏ ý khinh nhờn ta. Hắn dám tranh cãi với ta giữa công đường làm ta mất mặt. Giờ các ngươi chia nhau về các làng, tìm những người tin cậy thay thế bọn ấy. Người trong hội tư văn phải là tai mắt, vây cánh cho ta. Đó phải là những kẻ dễ bảo, dễ khiến. Đến Nam Hạ, bọn nha lại chọn ngay Ngật. Chúng biết Ngật vì đã từng đi lại thân thiết với lão Hách lúc sinh thời. Ngật mời cả bọn về nhà, ân cần đãi tiệc. Bọn chúng ăn uống chán chê, mặt đỏ như gấc, vung tay múa chân, hỉ hỉ hả hả, nói cười la hét huyên náo không còn ra thể thống gì. Khi Ngật và những kẻ như hắn bước vào hội tư văn huyện, Dương Điền và những người cương trực tự xin rút ra khỏi hội. Riêng Ngật, hắn sướng vô kể. Để lấy lòng tri huyện Thăng, Ngật đem con ngựa đực Mông Cổ biếu quan. Tri huyện Thăng thích lắm, dặn bọn lính hầu chăm sóc kĩ lưỡng. Thỉnh thoảng, có việc đi đâu xa, quan mới cưỡi nó.
    Trước thái độ cúc cung của Ngật, tri huyện Thăng càng tin dùng. Hắn được cử làm hội trưởng. Ngật càng vênh váo tợn. Dù gì hắn cũng đứng đầu đám quan viên, được ăn trên ngồi trốc, ra vào nơi quyền quí, chứ đâu như đám văn nhân kiết xác, ngạo đời. Thái độ căm ghét của Ngật với đám văn nhân còn vì một chuyện xảy ra cách mấy năm. Thường vào lúc trưa, hắn mò ra sông, lén núp vào bãi lau rình xem các cô thôn nữ tắm. Khúc sông ấy kín đáo, các cô gái mặc sức đùa giỡn. Hắn háo hức nhìn các cô gái da thịt trắng ngần dưới nắng. Một lần như thế hắn không nén được, bật cười sằng sặc. Mấy cô gái hoảng hồn lội nhanh vào bờ ù chạy. Người làng xầm xì mãi về sự việc ấy. Đám trẻ con trong làng bỗng hát bài vè “ Nghe vẻ nghe ve, nghe vè chuyện thật. Có thằng dâm dật, con lão phú ông. Hay mò ra sông, rình con gái tắm...” Ngật tức điên người. Hắn đinh ninh chính Dương Điền viết châm chọc hắn. Ngật hầm hừ “ Rồi mày sẽ biết tay tao !”. Chuyện tới tai Dương Điền. Chàng nói với các bằng hữu :
   – Ta không hơi đâu viết bài vè ấy. Văn chương của cả thiên hạ dù có nhân lên gấp bội lần cũng không đủ tả những trò bệnh hoạn, đầu óc đầy nhục dục của những kẻ như cha con hắn.
   Tác giả của những câu vè ấy đến nay vẫn chưa xác định được là ai, nhưng nghe được câu nói của Dương Điền, Ngật càng căm tức chàng. Dương Điền vẫn bình thản. Chàng lạnh lùng mỗi khi bắt gặp ánh mắt thù hận của Ngật. Chàng để hết tâm sức thực hiện ước nguyện cả đời là học y thuật chữa bệnh cứu người. Cha chàng là tú tài Dương Hựu với quan ngự y Thụ hiện ở kinh là bạn nối khố. Trước khi mất, cha chàng trối lại :
   – Con muốn đi vào nghề thuốc thì phải trau dồi y đức. Người bệnh tin tưởng giao sinh mệnh mình cho người thầy thuốc. Con phải xứng đáng với niềm tin ấy. Con thu xếp đến nhà bác Thụ một chuyến, nhờ bác ấy chỉ bảo nghề thêm cho. Cha đã viết thư nói với bác ấy. Bác đang chờ con.
   Ông Thụ tiếp đón Dương Điền nồng hậu. Ông đưa cho chàng đọc nhiều sách thuốc quí chỉ có trong thư viện hoàng cung. Lúc rảnh rang, không phải vào cung chữa bệnh cho hoàng thất, ông ngồi với Dương Điền đàm đạo y thuật, luận bàn chuyện văn chương, thế sự rất tâm đắc. Càng ngày ông càng yêu mến chàng. Một hôm, ông gọi chàng vào thư phòng nói :
    – Thân phụ cháu với ta tình như thủ túc. Bởi vậy, ta coi cháu như con. Ngày trước, ta với thân phụ của cháu có ước hẹn chuyện nhân duyên giữa cháu và Ngọc Dung con ta. Giờ ta muốn thực hiện lời hứa ấy, gả Ngọc Dung cho cháu. Không biết ý cháu thế nào ?
   Ngọc Dung tuổi trạc mười tám. Nàng nhan sắc mặn mà, cốt cách quí phái của một tiểu thư khuê các. Mỗi lần gặp chàng, Ngọc Dung thường tỏ vẻ e lệ. Lòng chàng xao xuyến nhưng vẫn luôn giữ lễ. Nghe ông Thụ nói vậy, chàng vòng tay cung kính :
   – Thưa bá phụ, từ ngày cha mất, cảnh nhà sa sút. Tuy có chút ít công danh nhưng phận hẩm hiu, đành sống lần lựa nơi thôn cùng xóm vắng. Nay bá phụ thương tình mà tác hợp nhân duyên, cháu muôn ngàn cảm kích. Chỉ ngại cháu không tương xứng với tiểu thư mà thôi. Ông Thụ mỉm cười vuốt chòm râu bạc :
   – Ta đã nói chuyện này với Ngọc Dung rồi. Xem ý tứ của nó, ta chắc nó cũng bằng lòng. Còn chuyện môn đăng hộ đối cháu không phải bận tâm. Điều đáng quí của một kẻ sĩ là nhân cách làm người. Gặp thời thì đem tài ra giúp nước. Không gặp thời thì ẩn mình chốn lều cỏ. Đó là căn duyên của con người chứ không phải cứ muốn là được. Trao thân gửi phận cho cháu, con ta sẽ có chỗ nương tựa xứng đáng. Ta yên tâm được rồi.
    Ông Thụ đứng ra tổ chức lễ cưới cho Dương Điền và Ngọc Dung. Ở rể được một năm, chàng xin phép nhạc phụ đưa vợ về Nam Hạ. Ai cũng mừng cho chàng may mắn có người vợ xinh đẹp, hiền thục, đảm đang. Chàng mở phòng thuốc riêng. Người bệnh tìm đến rất đông. Người nghèo khó được chữa giúp không lấy tiền, nhiều người được cứu sống cảm kích ân đức...Hai vợ chồng sống đạm bạc lần lữa cơm rau nhưng rất hạnh phúc. Thỉnh thoảng, đêm trăng sáng, Dương Điền cùng với các bằng hữu đối ẩm, làm thơ vui sống trong cảnh thanh bần.   
    Ngật đến huyện đường đúng lúc cuộc họp hội tư văn bắt đầu. Thấy Ngật, tri huyện Thăng lệnh cho lính lệ đem ghế ra cho Ngật ngồi ngay bên cạnh mình. Ngật chào hết mọi người. Quan nhìn khắp một lượt rồi hạ giọng :
   – Nay giặc Tây xâm phạm, thế nước lâm nguy, lòng người không vững. Nhân cơ hội này, có kẻ mưu đồ phản loạn thì phải trừng trị để trừ mối lo bên trong cho triều đình. Song, ta thấy đường xá nhỏ hẹp, hư hại, lâu ngày không tu bổ, đi lại khó khăn, khi có việc cần sai phái quan binh đến gấp bắt lũ nghịch tặc thì không thể nhanh chóng được. Ta muốn mở đường mới từ huyện về các làng to rộng hơn. Thêm việc này nữa, ở các đình miếu, các nhà từ đường dòng họ còn thờ các bài vị không rõ lai lịch . Có thể đó là bài vị những kẻ từng theo giặc Tây Sơn lúc trước. Ta sẽ sai người đến tận nơi tra xét. Các ông giúp thêm một tay. Quả đúng như vậy, các ông bảo bọn lí dịch dẫn tuần đinh tới đập phá nó đi.    
   Cuộc họp kéo dài đến tận trưa. Thói thường, các quan viên đều đồng ý với tri huyện Thăng cho xong chuyện. Nhưng lần này, việc quá hệ trọng. Ai nấy đều thấy việc đắp đường phải tốn nhiều tiền của, lao dịch. Tất cả đều đổ lên đầu dân trong đó có họ hàng thân thuộc của họ. Còn chuyện đình miếu, nhà từ đường dòng họ là chuyện thiêng liêng nhất đối với người làng. Tri huyện Thăng rồi sẽ về xứ Quảng. Còn họ thì sẽ ra sao ? Mà trái ý quan coi chừng mang vạ. Mọi người sợ hãi nhìn nhau, ú a ú ớ không ai nói được điều gì cho ra lẽ. Một người đột ngột lên tiếng:
    – Bẩm quan, hay là để hội trưởng quyết định thay cho chúng tôi. Mọi người đều đồng ý. Có tiếng thở phào. Tri huyện Thăng bực tức vì mọi việc không theo ý mình. Quay sang Ngật, quan gằn giọng :
   – Ý của ông thế nào ? Từ lúc sớm tới giờ, Ngật ngồi đó mà hắn có để ý gì đâu. Hắn tơ tưởng đến Ngọc Dung. Ban sáng, tình cờ thấy nàng trên con đường làng. Nàng đem thuốc đến nhà người bệnh. Nghe tiếng đã lâu, nay hắn mới thấy tận mắt. Làn da trắng hồng, ánh mắt quyến rũ, đôi môi e ấp...Vẻ đẹp kiêu sa của Ngọc Dung làm hắn sững sờ...


Nhưng nàng đã là vợ của Dương Điền, kẻ hắn căm ghét nhất trên đời. Mắt hắn tối sầm lại khi tưởng tượng Dương Điền được kề cận tấm thân ngà ngọc của nàng...Ý nghĩ ấy cứ quay quắt trong đầu hắn...Thấy Ngật chưa trả lời, tri huyện Thăng cáu tiết gắt :
  – Ông có đồng ý không thì nói !
    Ngật giật mình ngơ ngác. Nhìn cặp mắt giận dữ của tri huyện Thăng, người hắn co rúm lại. Cái đầu hắn bỗng gật gật. Thấy vậy, những nét cau có gương mặt tri huyện Thăng biến mất. Quan nhoẻn miệng cười tươi :
    – Đấy, ông hội trưởng đồng ý rồi đấy. Bây giờ, ai còn bàn thêm điều gì nữa không ? Im lặng. Tri huyện Thăng bảo viên thư lại làm giấy để bẩm báo sự việc lên quan trên. Người dự họp ra về. Quan đắc ý nói với đám tay chân :
   – Trời sinh thằng ngu ấy để giúp ta. Vài hôm nữa, có giấy quan trên sức về, các ngươi vào việc ngay. Cứ theo lời ta bảo mà làm. Phải mạnh tay vào. Phải bóp nặn cho ra của. Nếu chỉ trông vào bổng lộc ít ỏi của triều đình lấy gì ta cống nạp cho quan trên, lấy gì ta tích góp, vun đắp cho cuộc sống an nhàn sau này. Các ngươi tận tâm với ta, công ấy ta không quên đâu.
  – Bẩm quan, liệu còn trở ngại nào không ? Một tên thuộc hạ do dự hỏi.   
  Tri huyện Thăng cười ha hả :
  – Ngươi chưa hiểu thời cuộc. Nay lúc loạn lạc. Cơ đồ nghiêng ngả. Các đại thần ở triều đình chống đỡ không xong. Quan tổng đốc ở tỉnh cũng đang tìm cách lo liệu lấy mình. Ai hơi đâu mà lo đến việc cỏn con ở Nam Ngãi này. Ta là pháp luật. Kẻ nào trái lệnh, quyết không tha. Việc khép tội ai đó là quyền tối thượng của ta. Các ngươi chuẩn bị hành sự, đừng nói lôi thôi gì nữa. 
  

  Cho đến bây giờ, không ai biết cái gật đầu của Ngật là do đồng ý với quan hay là thói quen mỗi khi thấy quan nhìn hắn với cặp mắt giận dữ. Nhưng cái gật ấy đã giúp cho tri huyện Thăng có cớ thực hiện được mục đích của mình. Lệnh quan ban ra, cả huyện Nam Ngãi nhốn nháo cả lên, đâu đâu cũng nghe tiếng khóc than. Người nghèo phải chạy vạy tiền nộp sưu, có kẻ bán vợ, đợ con. Người phải cực nhọc đào đất đắp đường, còn mất cả ruộng nương vườn tược. Kẻ bệnh tật cũng không tha. Để nhà từ đường được yên, họ tộc phải góp tiền lo lót. Để đình miếu được yên, phải đem những vật quí hiếm của làng hiến cho quan. Bọn lí dịch, kỳ mục được thế mặc sức nhũng nhiễu. Tiền của dân nộp, phần chảy vào túi quan, phần chúng vơ vét chia chác không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều người không kham được, phải bỏ làng phiêu tán. Ở Nam Hạ, uất ức trước hành vi lộng hành của tri huyện Thăng và bọn nha lại, cường hào, Dương Điền làm giấy kiện lên quan trên, một mặt viết thư kể rõ sự tình cho nhạc phụ biết. Ngật dò được chuyện đó. Hắn liền tới huyện đường mật báo tri huyện Thăng. Không chậm trễ, quan tri huyện dẫn lính đến bắt Dương Điền giam vào ngục tối. Ngọc Dung nhờ người chạy vạy, đút lót tên cai ngục mới được phép vào gặp chồng Nàng đau đớn thấy chồng tiều tụy, đầu tóc rũ rượi, người đầy thương tích. Thấy Ngọc Dung, mắt Dương Điền sáng lên, chàng cố lê từng bước tới chỗ cửa ngục. Không đứng vững, chàng ngồi bệt xuống. Ngọc Dung ngồi xuống theo. Dương Điền nghẹn ngào :
   – Chúng tra khảo ép ta vào chỗ tuyệt mệnh. Ta chết không hối tiếc. Chỉ thương cho nàng vì ta mà phải chịu dang dở một đời.
   Cõi lòng xót xa, giọng nàng sầu thảm :
  – Khổ đau đến đâu, thiếp cũng chịu được. Mong sao chàng sớm thoát khỏi chốn tù ngục này. Cha cũng đã nhận được thư chàng và đang tìm cách cứu chàng. Các bằng hữu và bà con trong làng đến nhà thăm, an ủi, giúp đỡ mọi thứ. Chàng không phải lo cho thiếp.
   Đôi mắt Dương Điền buồn rười rượi. Chàng ảo não nói :
   – Vì ta mà bao nhiêu người phải khó nhọc. Ta thật không cam lòng.   
    Hai người bịn rịn bên nhau, giọt lệ ngắn dài cho đến lúc tên cai ngục vào hối thúc. Ngọc Dung vẫn áp mặt vào song cửa ngục, tay vẫn nắm chặt tay Dương Điền nức nở không rời. Tên cai ngục cho hai tên lính lệ kéo nàng ra.
  Chập choạng tối, từ huyện đường về, Ngật đã ngà ngà say. Tiện đường, hắn mò vào nhà Ngọc Dung. Nghe tiếng người gọi, Ngọc Dung ở nhà dưới bước lên, Vừa thấy nàng, Ngật sấn sổ bước tới. Nàng lùi lại, hốt hoảng :
    – Ô kìa ! ông làm gì vậy ? Tôi kêu lên bây giờ.
   – Ta... à, thế này, tội chồng nàng nặng lắm, nàng phải bị liên lụy. Quan sắp tra xét tới nàng đấy.
   – Nhưng...ông nói với tôi để làm gì ? Ngọc Dung kinh ngạc, ấp úng. Ngật hau háu nhìn khắp người nàng. Bất giác Ngọc Dung đưa tay lên che ngực. Giọng hắn trơ tráo :
  – Ta tiếc ngọc thương hoa mới tới nói cho nàng biết. Ta rất thân cận với quan. Ta sẽ cầu xin quan tha cho nàng. Nàng chiều ta, nàng sẽ vô sự. Chỉ có ta mới cứu được nàng. Ta sẵn sàng làm tất cả vì nàng.
    – Ông ra khỏi nhà tôi ngay ! Ngọc Dung căm giận xua đuổi.
    Ngật cười dâm đãng, mắt ngầu lên điên dại :
   – Thỏa mãn ta đi, nàng sẽ có tất cả. Nàng quên cái thằng cử nhân lây lất chút hơi tàn trong ngục kia đi. Hôm nay, ta nhất định không về, làm gì ta nào ?
   Hắn lao vào ôm lấy nàng. Ngọc Dung vùng vẫy, cắn mạnh vào tay hắn mới thoát ra được. Nàng lấp vấp chạy khỏi cửa, luýnh quýnh ngã nhoài trước sân. Nàng sợ hãi kêu cứu. Tiếng chân người chạy tới. Tiếng nói lao xao. Một người đỡ nàng dậy. Ngật bước ra, giả lả vài lời với mọi người rồi lẻn chuồn thẳng. 
  
   Triều đình sức giấy về huyện Nam Ngãi báo cho biết quan khâm sai sẽ về xét vụ việc Dương Điền. Tri huyện Thăng liền gọi đám nha lại vào bảo:
  – Sự việc diễn biến ngoài dự liệu của ta. Giờ không thể đem nó ra công đường khép vào tội chết được. Lão Thụ đã đánh động đến triều đình. Các ngươi nói xem, có cách nào vẹn toàn không ?
  – Bẩm quan, hay là ta tạm tha cho nó, chờ cơ hội khác.
  – Không được ! Tri huyện Thăng bặm môi, phải kết liễu nó bằng mọi cách. Để nó sống thì mối nguy hại về sau không thể lường hết được. Cả bọn bàn tán một chặp rồi một kẻ bước tới kề tai quan nói nhỏ. Nghe xong, mắt quan sáng lên :
  – Được rồi ! Ngươi cứ thế mà làm đi. Nhớ cẩn thận, làm cho khéo đấy. Bọn nha lại đến nhà báo cho Ngọc Dung tin Dương Điền đã tự tử trong ngục và bảo nàng tới huyện đường đem xác chàng về mai táng. Ngọc Dung khóc thảm thiết. Nàng ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần. Ngày phát dẫn, cả làng Nam Hạ từ trẻ đến già đều rơi lệ, ngậm ngùi đi sau linh cữu Dương Điền. Hôm đó, trời Nam Hạ thật ảm đạm, mây đen âm u, mưa rơi lất phất...
   Mấy ngày sau, kiệu quan khâm sai về tới Nam Ngãi. Quan khâm sai được tri huyện Thăng tiếp đãi nồng hậu. Dinh quan huyện liên tiếp tiệc tùng, món ăn toàn sơn hào hải vị, rượu ngon, hầu non, gái đẹp, hát xướng thâu đêm, không thiếu thứ gì. Ngài khâm sai hết sức hài lòng. Ngài còn được tri huyện Thăng biếu một gói quà bọc kĩ trong tấm vải điều. Ngài bày tỏ sự cảm động trước lòng thành kẻ dưới. Ngài không đá động gì tới vụ việc Dương Điền. Ngật càng vênh vênh mặt. Hắn nói trắng ra ở Nam Hạ, ai dám chống lại sẽ chịu chung số phận với Dương Điền. Tuy nhiên, lòng hắn lúc nào cũng cồn cào như bị thiêu đốt bởi hình ảnh Ngọc Dung. Nàng phải là của hắn. Không chờ cho sự việc lắng xuống, Ngật dẫn bọn người nhà cầm gậy gộc sang nhà Ngọc Dung. Thử xem người đàn bà cô thế ấy có trốn tránh khỏi hắn được không. Tới cổng, hắn quát lớn thị uy :
   – Chúng bay chờ bên ngoài. Đứa nào can thiệp, đánh chết cho tao. Vừa bước vào, Ngật chợt sững người. Gian nhà trống không. Hắn gọi người hàng xóm hỏi mới biết, ngay sau đám tang Dương Điền, quan ngự y đã cho người đón nàng đi rồi. Hắn ấm ức ra về. Tới một khúc quanh, Ngật thấy một đám người đứng lố nhố, có cả lính lệ. Lại gần, Ngật điếng người nhìn con ngựa đực Mông Cổ đứng bên vệ đường, còn tri huyện Thăng nằm sấp dưới đất. Hắn bước vội tới chỗ quan. “Quan chết rồi”, tiếng người nào đó. Mặt quan úp vào vũng thức ăn nồng nặc mùi rượu. Sao ra cớ sự này ? Ngật hỏi. Tên lính lệ cho biết, quan đi kinh lý việc đắp đường ở làng Nam Trung. Bọn lí dịch, kỳ mục ở đấy mở tiệc đãi ngài. Quan vui lắm vì mọi chuyện suôn sẻ nên ngài phá lệ quá chén. Trên đường tới Nam Hạ, ngài say rượu bị ngã ngựa. Quan gượng đau, lồm cồm đứng dậy, tay vịn vào mông ngựa định trèo lên. Con ngựa bỗng oằn mình hí vang rồi bất ngờ co chân đá quan trúng ngay chỗ hiểm. Sự việc nhanh quá không ai kịp trở tay.
    Ngật run rẩy quì xuống giục tên lính lệ cùng với hắn lật xác quan lại để nằm ngay ngắn. Cái mặt tri huyện Thăng vừa quay lên, Ngật khiếp đãm, vội buông tay. Mồm quan há hốc. Cặp mắt trợn trừng. Giống hệt với cặp mắt cha hắn chết trong tàu ngựa ngày nào. Ngật có cảm giác cặp mắt của quan cứ nhìn xói vào hắn. Ngật rùng mình. Cái đầu bỗng gật gật không thôi. Đột nhiên hắn cất tiếng rú man rợ, hai tay ôm lấy đầu, đứng dậy chạy ngược ra khỏi làng, miệng lảm nhảm những âm thanh lạ lùng không ai hiểu được

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét