Tranh Salvador Dali

XIN CHÀO CÁC BẠN ĐẾN VỚI BLOG PHẠM HỮU HOÀNG

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

THƠ ĐÀO VIẾT BỬU



 


 Những trưa chim gù

Chim gù chùng võng mẹ đưa
Mái tre vọng tiếng cũng vừa lay nghiêng
Hời ơi! Đâu giấc bình yên
Thương con se sẻ ngoài hiên chàng ràng
Giờ qua giậu duối chín vàng
Ai ngờ bụi ớt đứng bàng hoàng cay.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

CHỮ NGHĨA


    Quan đốc học Cả Nghị dù đang cận ngày sát hạch học trò, chuẩn bị cho kì thi hương, vẫn sắp xếp công việc về làng Nam Hạ dự hội. Ngày hội năm nay có lễ rước thần. Vị thần tên Khiết, đỗ cử nhân, đến Nam Hạ mở trường dạy học. Đức độ, tài hoa của thầy Khiết nổi tiếng một vùng. Học trò cả tam Nam: Nam Hạ, Nam Trung, Nam Thượng; lục Ngãi: Ngãi Nam, Ngãi Bắc, Ngãi Tây… theo học rất đông. Bấy giờ, có tên Thậm, chánh tổng làng Ngãi Bắc, ngang ngược, gian ác. Hắn giàu tới mức chỉ riêng ruộng đất có tới hàng mấy trăm mẫu. Hắn cầu thầy địa lý giỏi dò long mạch, tìm chỗ đất tốt đào huyệt táng hài cốt cha hắn để mong vinh hoa, phú quí hơn. Xem xét hết đồng nọ, gò kia, thầy điạ lý  chọn được thửa đất mới vỡ hoang của một người dân Nam Hạ. Hắn dùng thủ đoạn chiếm đoạt thửa đất ấy. Thầy Khiết giúp người bị ức hiếp làm đơn kiện lên quan. Vụ kiện thất bại. Ít lâu sau, thầy đi thăm người bạn ở làng bên về, đám tay chân của tên Thậm chận đường gây sự đánh thầy đến chết. Thầy chưa vợ, không họ hàng thân thuộc. Cả Nghị cùng với các bạn đồng học lặng lẽ mai táng thầy trên một gò đất cao. Vụ án gây xôn xao một lúc rồi cũng bị quan trên dìm đi. Người làng không dám ho he nhưng ngậm ngùi thương tiếc. Họ đem bài vị thầy vào thờ trong đình như một vị thần làng. Hằng năm, nhằm vào ngày thầy qua đời, dân làng mở hội tại bãi đất rộng trước đình…Về dự hội  còn là dịp Cả Nghị gặp lại các bằng hữu ở làng. Những người sống đạm bạc với ruộng vườn, vui cùng cây cảnh, thơ phú. Ngày hội đã tàn. Người dự hội về hết. Ông thủ từ trải chiếc chiếu ra giữa sân đình. Cả Nghị và bằng hữu tiếp tục đối ẩm, luận bàn chuyện văn chương, thế sự... Cao hứng, Cả Nghị ứng khẩu ngâm mấy câu thơ: Bằng hữu tâm giao lưu vạn thuở. Chung đầy xin cạn men tình say. Ông Nhị Trần, người lớn tuổi nhất, từng trải việc đời cầm ly rượu nói:
    - Ý thơ Cả Nghị như tạc vào đá. Công danh chỉ là giấc phù hoa, đời người như bóng câu, mới đó mà điểm bạc mái đầu. Vì tình bằng hữu mãi mãi, ta cùng uống cạn chung này.
      Mọi người hưởng ứng nâng cao ly rượu… Trời về khuya. Trăng chênh chếch trời tây. Cả Nghị đã ngà ngà say. Người thủ từ dìu ông vào đình, đỡ nằm trên cái phản gụ kê ở góc phải nhà ngoài. Tiếng cười nói ngoài sân im ắng dần. Lúc này, Cả Nghị nghe vọng vào những âm thanh thân thiết của tiếng ếch ngoài đồng cùng với tiếng chim bay đêm xào xạc trên các tán lá cây. Ông thoáng nhớ lại thời ấu thơ cùng đám bạn nhỏ bẩy chim hoặc lội bì bõm trên các con mương làng úp cá…Tháng ngày đèn sách ở nhà thầy…Rồi giây phút hồi hộp nghe xướng tên tiến sĩ, được mặc triều phục làm lễ tạ ơn vua… Cả Nghị trở mình trên tấm phản, ông nhớ tới chữ nghĩa trên tấm biển của bằng hữu ở quê tặng trong ngày vinh qui bái tổ… 


     Những nét chữ cẩn xà cừ óng ánh. Khi được triều đình bổ nhiệm chức quan đốc học tỉnh, ông dời nhà vào thành cho tiện việc quan. Ông mang theo tấm biển treo trên bức vách trong thư phòng. Bước vào hoạn lộ, mấy mươi năm nếm đủ mùi vinh nhục... Mỗi lần mỏi mệt, nhìn tấm biển, lòng ông thường ấm lại… Ánh trăng gầy guộc nhuốm vàng khoảng sân trước đình…Vài chiếc lá xào xạc trên thềm… Gió thoảng lành lạnh… Ánh sáng ngọn nến leo lét… Bỗng một người mặc áo dài khăn đóng tiến vào. Thấy rõ mặt, Cả Nghị vội tụt ngay xuống phản, vòng tay thi lễ. Miệng ấp úng:
       - Con chào thầy.

VÔ ĐỀ


Thân tặng Vĩnh Bình
Nhẹ như làn gió thoảng
lướt qua chốn phù hoa
còn chút hương để lại
với đời không phôi pha
một chút hương thanh khiết
sáng trong giữa đời thường
đẹp như tình bằng hữu
mãi mãi đến vô thường

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

THẰNG NGẬT


Không biết từ lúc nào, ở làng Nam Hạ lưu truyền câu đồng dao “ Thằng Ngật mà gật cái đầu. Cả trời Nam Hạ lệ sầu chứa chan.” Câu hát ấy, thuở ấu thơ tôi đã từng hát khi cùng đám bạn nhỏ quần đùi, chân đất chăn bò trên một cái gò lớn đầu làng. Cuối gò, chỗ tiếp giáp dòng sông có một mô đất cao. Đầu mô đất có một cái bia khắc chữ Hớn. Cái bia ấy mới phục hồi lại, vì hồi chiến tranh, bom đạn cày xới chỉ còn cái đế bằng đá ong lởm chởm. Qua lời kể của các bậc cao niên, đây là nấm mộ của cử nhân Dương Điền. Cái chết Dương Điền có liên quan đến câu đồng dao mà không đứa trẻ nào lớn lên ở Nam Hạ lại không thuộc.
    

  Tôi đến từ đường họ Dương. Đó là một ngôi nhà cổ lá mái ba gian, nằm lọt thỏm trong khu vườn rộng cây lá um tùm. Người giữ từ đường là cụ Dương Nguyễn. Cụ tiếp tôi rất niềm nở. Cụ mời tôi ngồi trên tấm phản gỗ mun kê bên trái gian nhà thờ. Bàn thờ sạch bóng đặt nhiều bài vị theo thứ bậc. Tôi biết cụ từ lâu, trong các ngày tế lễ ở làng cụ thường được chọn là người tế chủ. Nhưng do cách biệt về tuổi tác, do bận rộn việc mưu sinh, tôi phải rày đây mai đó nên chưa có dịp nào cùng với cụ chuyện trò với nhau. Cụ Dương Nguyễn là người xuề xòa, dễ tính. Cụ rót nước trà vào hai cái tách bằng sứ để trên cái khay gỗ cẩn xà cừ, rồi vừa mời tôi, vừa cầm một tách kề lên miệng nhấp một ngụm. Chờ cụ đặt tách trà xuống khay, tôi gợi chuyện. Cụ có vẻ hào hứng khi kể về những sự việc xảy ra cách đây hàng trăm năm ở làng. Những sự việc mà chỉ có người cả đời gắn bó máu thịt với làng như cụ mới lưu giữ mãi trong tâm khảm. Tôi hỏi về cử nhân Dương Điền, cụ nhỏ nhẹ : 

HOANG TƯỞNG



Quán về khuya thưa khách, tôi ghé vào chọn một bàn trống bên cửa sổ. Cô tiếp viên tiến lại :
    - Anh dùng gì?
    - Một ly cà phê đen.
    Cô tiếp viên đi khuất sau quầy bán. Tôi đổi lại tư thế ngồi thoải mái. Mấy đêm nay, vào giờ này, tôi thường tới đây thư giãn ít phút. Tổng biên tập phân công tôi đến thị trấn Bình Giảng viết về vụ tiêu cực xảy ra tại công ty xây dựng X. Công việc hết sức căng thẳng. Ngày đi thu thập tư liệu, đêm cắm cúi viết. Tôi thích đến cái quán nhỏ này. Cảnh bài trí thật đơn sơ, vài chậu cây cảnh, mấy bóng đèn màu dịu dàng… Nhưng hấp dẫn với tôi ở chỗ những bài hát trữ tình từ giàn âm thanh tương đối tốt. Đây là những bài tôi yêu thích nhất hồi còn học trường cao đẳng sư phạm, quãng đời đáng nhớ của tôi. Bởi vậy, nhân một lần có việc đi ngang qua, tiếng nhạc dìu dịu ấy đã kéo tôi vào quán.
    - Sao ngồi một mình thế này?
    Tiếng phụ nữ nói rất gần. Một thiếu phụ tự nhiên kéo ghế ngồi trước mặt tôi. Cách ăn mặt kín đáo và nụ cười đôn hậu đã làm cảm giác bực bội vì sợ quấy rầy đường đột nhanh chóng tan biến. Người phụ nữ tôi đã thấy loáng thoáng mấy lần khi đến quán ấy.
 - Hình như cô là chủ quán? Tôi hỏi. Thiếu phụ gật đầu rồi lại cười:

    Ngỡ ngàng, tôi nhìn kỹ, ngờ ngợ… Nụ cười… Đôi mắt… Nét đẹp chưa tàn phai trên gương mặt qua tuổi xuân thì. Có thể nhầm lẫn được chăng? Tôi kêu lên.
    - Cẩm Chi ! Có phải là Cẩm Chi không? - Đàn ông mau quên thật, nhưng rất mừng anh vẫn còn nhận ra.


    - Cẩm Chi mở quán ở đây lúc nào? Đã ổn định cuộc sống ở thành phố rồi mà.    
    Lời tôi nói như vô tình chạm vào nỗi niềm thầm kín trong lòng. Cô lắc đầu, dáng vẻ ngao ngán:

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

TRỐNG VẮNG




Những vần thơ  bạn hữu được Vĩnh Bình viết gửi về từ Sài Gòn, có đọc mới thêm hiểu về anh trong những ngày xa xứ


Đã mấy hôm rồi con chim sẻ không đến đậu trước hiên nhà gọi bạn.
Vạt nắng sớm mai cũng qua mau lòng ta thêm trống vắng.
Bay về đâu hõi chim ?
Vội vàng chi hỡi nắng ?
Cho mùa thu phôi pha.
Cho Chiều vàng trút lá.
Ta một mình đong đếm những vui buồn khi trời đã sang đông. 

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ



  
          Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có những kỉ niệm đẹp lưu giữ mãi trong lòng . Với chúng tôi, ba năm đèn sách dưới mái trường trung học phổ thông An Nhơn 1 đã để lại bao nhiêu kỉ niệm không thể mờ phai. Và cũng chính từ mái trường thân yêu này, một ngày mùa hè năm 1979, chúng tôi chia tay nhau, tạm biệt thầy cô giáo, tạm biệt mái trường, bỏ lại phía sau cái thời tuổi trẻ hồn nhiên vụng dại để bước vào cuộc đời rộng lớn. Từ đó, mỗi người một phương lo tạo dựng sự nghiệp. Người ra Bắc, kẻ vào Nam, người lên Tây Nguyên, người đi du học nước ngoài…Cũng có người gắn bó với quê nhà với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng chúng tôi vẫn hướng về mái trường xưa với một tình cảm thân thương.    
          Còn nhớ, thế hệ cựu học sinh 79 bước vào trường năm 1976, một năm sau ngày miền nam được giải phóng. Cả huyện An Nhơn bấy giờ chỉ có một trường trung học phổ thông duy nhất. Bởi vậy, bạn học cùng lớp ở rải khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Có đứa ở khu đông Nhơn Hạnh, Nhơn Phong ; có đứa ở cánh tây Nhơn Phúc, Nhơn Lộc; có người ở cánh bắc Nhơn Thành, Đập Đá… Đây là thời điểm đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài, lại thêm thời bao cấp đầy khó khăn. Ngày ấy, hầu hết chúng tôi đến trường trên những chiếc xe đạp cà tàng. Áo quần may bằng thứ vải rẻ tiền được phân phối theo tiêu chuẩn xã viên hợp tác xã hoặc tem phiếu cán bộ công nhân viên nhà nước. Trường lớp tuềnh toàng, sách vở thiếu thốn, cả tổ chỉ có vài bộ sách giáo khoa cũ mượn ở thư viện, chuyền tay nhau mà đọc. Thời chúng tôi học chưa có công nghệ thông tin hiện đại, không biết game online, không phim ảnh Hàn Quốc, không hát karaoke…Nhưng chúng tôi có cả một tình yêu và lẽ sống cao cả. Yêu trường, yêu lớp, yêu quí bạn bè, cả những mối tình ngây thơ, trong sáng tuổi học trò, yêu kính thầy cô giáo tuy cuộc sống quá đạm bạc nhưng vẫn hết lòng tận tụy với học sinh …
                      alt               
         

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

LŨ MUỘN

Ông Tự uể oải vươn vai một cái rồi chậm rãi đi qua cửa nhà chòi ra bãi cát mé sông. Cát nóng bỏng lạo xạo dưới bàn chân trần. Ông lội xuống dòng nước chảy lờ đờ, tới chỗ ngang ống quyển, khom người chúm hai bàn tay vục một bụm nước úp vào mặt. Rồi một bụm nữa. Nước nhỏ giọt trên chòm râu, nhỏ xuống bộ ngực trần đen đúa, xương xẩu. Nước mát làm ông thấy khoan khoái. Ông ngước nhìn lên phía tây, nơi có những ngọn núi xanh thẳm, lững lờ chòm mây trắng, miệng lẩm bẩm :
     - Qua tiết lập đông rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì. Chừng nào ông trời mới chịu đổ nước về.
     Ông vừa lểu thểu về chòi vừa nghĩ tới bữa cơm chiều. Cả tháng nay ông phải chắt chiu, tính toán từng bữa ăn, sao cho cầm cự tới khi lũ về. Nước cạn kiệt. Trên khúc sông quen thuộc, ban ngày, ông thả lưới, quăng chài, lặn bắn miệt mài, ban đêm, bơi sõng đi soi đến bét mắt mà vẫn không đủ đắp đổi bữa ăn. Con sông ngày càng ít cá. Đã vậy, có kẻ còn dùng xung điện. Rồi thuốc cỏ, thuốc trừ sâu từ các chân ruộng chảy xuống. Con cá nào sống sót, trốn bặt vào hang, hốc trong các hầm chảo gai góc…
alt
     Ông Tự mong lũ đến mỏi con mắt. Vì khi lũ về, cá tràu, rô, trê … trồi ra vẫy vùng. Lại thêm cá trôi, diếc, chép, mương, chốt…ở các lòng hồ, khe suối chốn đại ngàn xuôi theo con nước bạc. Cá ở vùng hạ bạn ngược dòng... Chỉ cần nhìn luồng nước chảy, chọn vị trí thả nhá kéo, có khi, chỉ một lát, lờ cá đã đầy nóc. Nước rặt là mùa thu hoạch. Tha hồ bủa lưới. Cá no mồi béo núc. Tối đến, chỉ cần một trận mưa, ếch giao hoan kêu ồm ộp khắp cánh đồng. Chịu khó đội đèn bin đi soi một chặp, cũng kiếm được kha khá.
      

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

GÓC QUÊ ÊM ĐỀM


Ông Hạn rất thích chơi cây cảnh. Thú chơi này đã thấm vào máu ông. Bởi vậy, từ lúc về hưu, ông luôn quẩn quanh bên những chậu cây cảnh trong vườn. Khi cùng bạn bè chén tạc chén thù, ai khơi đề tài này, ông rất hào hứng, nói không biết chán. Không ít lần ông nói như thể muốn chia sẻ niềm đam mê của mình mặc dù có lúc người nghe không có hứng thú muốn nghe. Vợ ông đã mất. Đứa con trai độc nhất là Lập Thành đang làm ở một công ty lớn trong Thành phố Hồ Chí Minh. Nó quyết chí lập nghiệp ở trong đó. Thỉnh thoảng, vợ chồng con cái đưa nhau về thăm ông vài hôm. Ông tự nhủ, Lập Thành đã trưởng thành, cứ để nó tự quyết định cuộc sống. Ông không buộc nó phải về ở với ông. Vợ nó mở cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, thu nhập cũng khá. Lần về gần nhất, Lập Thành nói với ông :
        - Ba ở ngoài này, con không yên lòng. Tuổi già như ba cần có người chăm sóc. Khi tối lửa tắt đèn lỡ xảy ra chuyện gì, một mình ba thì biết làm sao ? Con tính thế này, ba vào ở với vợ chồng con. Con sẽ lo cho ba đầy đủ.