Tranh Salvador Dali

XIN CHÀO CÁC BẠN ĐẾN VỚI BLOG PHẠM HỮU HOÀNG

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

CHỮ NGHĨA


    Quan đốc học Cả Nghị dù đang cận ngày sát hạch học trò, chuẩn bị cho kì thi hương, vẫn sắp xếp công việc về làng Nam Hạ dự hội. Ngày hội năm nay có lễ rước thần. Vị thần tên Khiết, đỗ cử nhân, đến Nam Hạ mở trường dạy học. Đức độ, tài hoa của thầy Khiết nổi tiếng một vùng. Học trò cả tam Nam: Nam Hạ, Nam Trung, Nam Thượng; lục Ngãi: Ngãi Nam, Ngãi Bắc, Ngãi Tây… theo học rất đông. Bấy giờ, có tên Thậm, chánh tổng làng Ngãi Bắc, ngang ngược, gian ác. Hắn giàu tới mức chỉ riêng ruộng đất có tới hàng mấy trăm mẫu. Hắn cầu thầy địa lý giỏi dò long mạch, tìm chỗ đất tốt đào huyệt táng hài cốt cha hắn để mong vinh hoa, phú quí hơn. Xem xét hết đồng nọ, gò kia, thầy điạ lý  chọn được thửa đất mới vỡ hoang của một người dân Nam Hạ. Hắn dùng thủ đoạn chiếm đoạt thửa đất ấy. Thầy Khiết giúp người bị ức hiếp làm đơn kiện lên quan. Vụ kiện thất bại. Ít lâu sau, thầy đi thăm người bạn ở làng bên về, đám tay chân của tên Thậm chận đường gây sự đánh thầy đến chết. Thầy chưa vợ, không họ hàng thân thuộc. Cả Nghị cùng với các bạn đồng học lặng lẽ mai táng thầy trên một gò đất cao. Vụ án gây xôn xao một lúc rồi cũng bị quan trên dìm đi. Người làng không dám ho he nhưng ngậm ngùi thương tiếc. Họ đem bài vị thầy vào thờ trong đình như một vị thần làng. Hằng năm, nhằm vào ngày thầy qua đời, dân làng mở hội tại bãi đất rộng trước đình…Về dự hội  còn là dịp Cả Nghị gặp lại các bằng hữu ở làng. Những người sống đạm bạc với ruộng vườn, vui cùng cây cảnh, thơ phú. Ngày hội đã tàn. Người dự hội về hết. Ông thủ từ trải chiếc chiếu ra giữa sân đình. Cả Nghị và bằng hữu tiếp tục đối ẩm, luận bàn chuyện văn chương, thế sự... Cao hứng, Cả Nghị ứng khẩu ngâm mấy câu thơ: Bằng hữu tâm giao lưu vạn thuở. Chung đầy xin cạn men tình say. Ông Nhị Trần, người lớn tuổi nhất, từng trải việc đời cầm ly rượu nói:
    - Ý thơ Cả Nghị như tạc vào đá. Công danh chỉ là giấc phù hoa, đời người như bóng câu, mới đó mà điểm bạc mái đầu. Vì tình bằng hữu mãi mãi, ta cùng uống cạn chung này.
      Mọi người hưởng ứng nâng cao ly rượu… Trời về khuya. Trăng chênh chếch trời tây. Cả Nghị đã ngà ngà say. Người thủ từ dìu ông vào đình, đỡ nằm trên cái phản gụ kê ở góc phải nhà ngoài. Tiếng cười nói ngoài sân im ắng dần. Lúc này, Cả Nghị nghe vọng vào những âm thanh thân thiết của tiếng ếch ngoài đồng cùng với tiếng chim bay đêm xào xạc trên các tán lá cây. Ông thoáng nhớ lại thời ấu thơ cùng đám bạn nhỏ bẩy chim hoặc lội bì bõm trên các con mương làng úp cá…Tháng ngày đèn sách ở nhà thầy…Rồi giây phút hồi hộp nghe xướng tên tiến sĩ, được mặc triều phục làm lễ tạ ơn vua… Cả Nghị trở mình trên tấm phản, ông nhớ tới chữ nghĩa trên tấm biển của bằng hữu ở quê tặng trong ngày vinh qui bái tổ… 


     Những nét chữ cẩn xà cừ óng ánh. Khi được triều đình bổ nhiệm chức quan đốc học tỉnh, ông dời nhà vào thành cho tiện việc quan. Ông mang theo tấm biển treo trên bức vách trong thư phòng. Bước vào hoạn lộ, mấy mươi năm nếm đủ mùi vinh nhục... Mỗi lần mỏi mệt, nhìn tấm biển, lòng ông thường ấm lại… Ánh trăng gầy guộc nhuốm vàng khoảng sân trước đình…Vài chiếc lá xào xạc trên thềm… Gió thoảng lành lạnh… Ánh sáng ngọn nến leo lét… Bỗng một người mặc áo dài khăn đóng tiến vào. Thấy rõ mặt, Cả Nghị vội tụt ngay xuống phản, vòng tay thi lễ. Miệng ấp úng:
       - Con chào thầy.

      Người ấy là thầy Khiết. Trông thầy mảnh khảnh, gầy gò. Ánh mắt thầy nhìn cả Nghị vừa khắc khoải, vừa u uất như có gì muốn nói. Cả Nghị cúi đầu, im lặng. Ông cố nhớ ra một cái gì đó mà dòng suy nghĩ cứ rời rạc, vụn vỡ. Đầu óc rối mù lên, mọi thứ trở nên mơ hồ không sao hiểu nổi. Chợt Cả Nghị  nghe giọng nói ấm áp, quen thuộc của thầy mỗi khi dạy kinh sử:
       - Con đọc sách thánh hiền tất phải hiểu chữ nghĩa cao sâu, vời vợi. Người quân tử liều mình vì nghĩa để lưu tiếng thơm muôn thuở. Kẻ phi nghĩa  đắc chí là hoạ lớn của muôn người. Giúp cho đứa tiểu nhân thoả nguyện là tội lỗi tày đình, dù có ăn năn hối tiếc, tu nhân tích đức cả đời cũng không gột rửa được. Con nhớ lời ta nghe.

    Cả Nghị ngước nhìn thầy. Ông muốn hỏi thầy một chuyện gì đó nhưng không thốt được thành lời. Thầy Khiết ra hiệu ông cứ đứng yên rồi quay người lướt ra cửa. Cả Nghị cố hết sức bước theo nhưng chân nặng như đeo chì, lướng vướng ngã nhoài xuống đất, miệng lúng búng:
       - Thầy ơi!… thầy…
      Cả Nghị mở mắt ra, người đầm đìa mồ hôi. Người thủ từ vừa lay vừa hỏi:
       - Bẩm,  quan có làm sao không ạ?
       - Ta… à mà không, chẳng có chuyện gì , mọi người đâu cả rồi? 
       - Họ về từ canh ba. Thấy quan nằm thiếp đi, họ bảo để cho ngài nghỉ và dặn tôi phải hầu hạ chu đáo. Vừa nãy, tôi nghe tiếng ngài kêu ú ớ liền chạy lên ngay, tưởng ngài có việc gì cần.
      Ngước nhìn bài vị thầy Khiết khi mờ khi tỏ trên bàn thờ nội điện, Cả Nghị rùng mình. Ông khẽ nói với người thủ từ:   
       - Ta quá chén nên mộng mị nhảm nhí, không đáng bận tâm. Trời cũng sắp sáng rồi, ông dắt ngựa ra cho ta về.
       - Bẩm quan, người thủ từ nói, hay ngài nghỉ thêm một chốc nữa, đợi đến sáng hẳn rồi đi.
       - Ta có chuyện gấp không thể ở thêm được. Ông chuyển lời chào từ biệt của ta đến mọi người.
      Dong ruổi trên mình ngựa suốt chặng đường từ Nam Hạ về tới nhà, lòng Cả Nghị nặng trĩu lo âu. Lời thầy Khiết cứ văng vẳng bên tai. Bởi vì, cách đấy mấy ngày, quan tổng đốc làm lễ mừng thọ thân mẫu tại tư gia, lão Thậm cũng có dự. Lão gặp riêng ông nhờ giúp cho thằng Dật con lão qua được kì sát hạch. Giọng lão khàn khàn:
       - Quan đốc chiếu cố giùm cho lão. Chừng này tuổi, lão chỉ có một thằng con trai đó thôi. Đời lão không thiếu gì, chỉ  mong nó đỗ đạt để mở mặt mở mày. Mà nó học hành thì…, lão cười hà hà, vành tai phải giật giật, chẳng dấu gì ngài, chẳng ra làm sao cả nên mới phiền đến ngài.
      Sau đó, quan tổng đốc gọi ông vào thư phòng cũng nhấn mạnh chuyện đó. Ánh mắt sắc lạnh của quan tổng đốc nhìn ông như muốn lưu ý rằng không thể làm khác được. Cả Nghị ngồi dự tiệc mà tê đắng cả đầu lưỡi. Ông hiểu rõ lão Thậm có thế lực lớn như thế nào. Lão có một người chú ruột làm quan thượng thư tại triều, ngoài ra, còn họ hàng, dây mơ rể má với lắm kẻ danh gia vọng tộc. Dấn thân vào chốn quan trường, Cả Nghị mới thấm thía cái chết đau đớn của thầy Khiết, và còn biết bao nỗi oan khốc khắp vùng tam Nam, lục Ngãi bởi tay lão ta. Còn thằng Dật thì ai cũng nhẵn mặt. Hắn không thua gì lão về mặt tàn nhẫn, vô luân, ăn chơi trác táng. Mỗi khi Diệu Lan, đứa con gái yêu của ông có việc về Nam Hạ, Dật thường đón đường trêu ghẹo. Hắn vào thành, lởn vởn qua lại trước cổng nhà. Ông căn dặn người nhà cấm cửa hắn…Vậy mà giờ đây phải làm một việc mờ ám, cho hắn vượt qua sát hạch, rộng đường khoa bảng. Thật là đau đớn, nhục nhã, có lỗi với thầy, với mọi người, với niềm tin của các bằng hữu, với chữ nghĩa mà ông luôn gìn giữ trong lòng như những gì đẹp nhất mà phần đời vừa qua ông có được. Nhưng… nếu không làm như thế thì chắc chắn là ông sẽ gây thù chuốc oán khi cản trở con đường tiến thân của hắn… Liệu tai hoạ nào sẽ giáng xuống đầu ông? Về Nam Hạ dự hội mà, chuyện ấy cứ ám ảnh ông … Nỗi lo lắng giờ càng đè nặng lên trái tim... Ông biết phải làm sao đây?
      Vừa về tới nhà, chưa kịp thay áo, quan tổng đốc đã sai người gọi ông đến bàn việc sát hạch. Ông biết sau đó là việc gì rồi. Câu nói của quan tổng đốc tại tư gia hôm lễ mừng thọ thân mẫu vẫn còn nguyên đó: “Ông đừng làm mất lòng lão ta vì chuyện nhỏ đấy. Ngài thượng thư mà không bằng lòng thì cái ghế tổng đốc của ta cũng không còn huống chi là chức quan đốc học của ông”. Ngã mình trên chiếc ghế tựa, ông thở dài ngao ngán. Bất chợt mắt ông như dán vào chữ nghĩa trên tấm biển, những nét  cẩn xà cừ óng ánh… Chữ nghĩa bỗng mờ đi, che khuất bởi gương mặt khả ố của kẻ cậy quyền  thế…
       - Kiệu đã chờ sẵn, sao cha chưa đi? Diệu Lan vừa bước vào, vừa nhỏ nhẻ nói.
      Cả Nghị dịu dàng đáp:
       - Cha hơi mệt, con ra bảo phu kiệu chờ một chốc.
      Diệu Lan bước ra khỏi cửa. Cả Nghị nhìn theo bóng con, lòng chan chứa yêu thương. Vợ ông mất sớm để lại cho ông một đứa con gái này. Diệu Lan vừa mười bảy tuổi. Nàng đẹp đằm thắm mặn mà. Cả Nghị rước thầy về dạy nàng kinh sử, cầm, kì, thi, phú. Ông nâng niu cô con gái như báu vật. Lúc rãnh rỗi, hai cha con thường ra ngoài vườn ngắm hoa. Có lần nàng nói với cha:
       - Hoa cũng như người mỗi loài một vẻ, mỗi đoá một hương. Cha thấy không, có loài rực rỡ phô bày, có đoá e ấp ngập ngừng như mang nỗi niềm riêng. Đêm đêm chúng cũng thì thầm trò chuyện. Chúng dâng hương sắc làm đẹp cho đời nhưng số phận thật mong manh, luôn bị gió mưa vùi dập… Rồi tàn héo… Rồi lãng quên…
    
  Khi nói đến đó, đôi mắt nàng buồn lạ. Biết con mềm yếu, đa cảm, Cả Nghị nhẹ nhàng khuyên bảo:
       - Loài hoa cũng như muôn ngàn loài khác là phẩm vật trời đất dành cho con người. Chúng tồn vong theo khuôn tạo hoá, muôn kiếp muôn đời đều thế, con không nên bâng khuâng làm gì. 
        Diệu Lan nín lặng. Cả Nghị biết con gái ông vẫn chưa từ bỏ ý nghĩ của mình. Tính nó vẫn thế. Trông nó mảnh mai, yếu ớt, dễ tan biến như hạt sương. Cuộc đời nó cần có sự che chở, bảo bọc. Ta có mệnh hệ nào thì đời nó liệu sẽ ra sao? Biết nương tựa vào đâu? Liệu nó có thể lưu lạc vào mưa gió rồi bị dập vùi như mấy cánh hoa kia? Đôi mắt của nó giống hệt mẹ nó. Đôi mắt người vợ lưu luyến, buồn rầu nhìn ta lúc lâm chung… lời trối lại kí thác đứa con côi… Ta đã hứa….Giờ ta không bảo bọc được nó còn mặt mũi nào sống ở cõi đời này nữa. Ta có thể mất địa vị, danh tiếng một đời chứ không thể để con ta phải khổ đau dù chỉ một ngày….Cả Nghị dứt khoát đứng lên tháo tấm biển có chữ nghĩa xuống lau cẩn thận cho tới khi sáng bóng rồi cất vào trong rương. Ông vào nhà trong thay áo, đội mũ, mặt dàu dàu bước ra sân, chỗ chiếc kiệu đang đợi sẵn. Diệu Lan đứng nép mình bên tấm màn che khung cửa. Nàng thấy cha hôm nay thật khác lạ, nhưng vẫn lặng yên, không dám hỏi.
      Bẵng đi ít lâu, lão Thậm tới nhà Cả Nghị với một mâm đầy quà phủ tấm vải điều. Lão sai người  bưng vào đặt trên bàn rồi cười nhăn nhở:
       - Con trai lão giờ đã là cậu cử, đang đợi kì thi hội. Ơn ngài, lão không quên, xin nhận cho chút quà mọn để gọi là tấm lòng thành.
      Lão lại cười hà hà. Vành tai phải lại giật giật trông thật chướng mắt. Cả Nghị bực tức trong lòng nhưng bên ngoài vẫn gượng đáp:
       - Những thứ quà tặng ấy quả tình tôi không dám nhận.
       - Ấy! Mong ngài chiếu cố cho lão vui. Xưa nay lão chưa bao giờ quên ơn người đã giúp lão. Nếu ngài không nhận, lão biết phải làm sao đền đáp được.
       - Việc đó không nhắc tới nữa. Ông đừng bận tâm làm gì, giọng Cả Nghị hơi rắn lại, những thứ kia, phiền ông cho người mang về.
      Gương mặt lão ta vẫn tươi tỉnh. Lão nhỏ nhẹ:
       - Ngài không nhận thì thôi vậy. Nhưng lão qua đây còn có việc khác muốn thưa cùng ngài. Chuyện thằng Dật nhà lão để mắt đến ái nữ nhà ngài. Theo lão biết, tình ý đã sâu đậm lắm. Nó nhắc đến ái nữ nhà ngài luôn. Nó  nằng nặc với lão qua đây thưa chuyện với ngài. Lão thấy đây là mối lương duyên tốt đẹp. Mong ngài chấp thuận kết tình thông gia cho hai trẻ nên duyên chồng vợ.
      Cả Nghị không đắn đo, trả lời ngay:
       - Tôi chưa định chuyện nhân duyên cho con gái tôi. Việc ấy không thể được. Ông tìm đám khác cho cậu nhà vậy.
       - Ngài không bằng lòng sao? Mặt lão sa sầm xuống, giọng nói đanh lại, ngài coi thường nhà lão, khinh thằng Dật  không xứng là rể nhà ngài à?
       - Tôi không có ý đó, Cả Nghị vẫn cố dịu giọng. 
      Lão Thậm bắt đầu lải nhải đủ thứ chuyện, nào là lão sẽ làm một đám cưới danh giá nhất từ trước đến nay; nào của cải nhà lão đủ bảo đảm cho Diệu Lan một đời nhung lụa…Quan thượng thư sẽ nâng đỡ Cả Nghị trên quan trường…
      Lão hạ giọng:
       - Ngài thấy đấy, nếu ngài ưng thuận, cha con ngài sẽ có tất cả. Bằng ngược lại thì…
       Cả Nghị không đủ kiên nhẫn nữa. Ông đứng phắt dậy, giọng run run:
       - Tôi không gả con tôi cho con trai ông được. Ông đừng nói chuyện này với tôi nữa.
       - Ngài bình tỉnh kẻo hối không kịp đó. Nể tình ngài, lão không chấp việc này, ngài  suy nghĩ thiệt hơn đi rồi trả lời cho lão.
       Lão ra hiệu cho tên người hầu lại chỗ bàn bưng mâm quà rồi hằn học kéo về. Những ngày tiếp theo, cả tam Nam, lục Ngãi đều bàn tán xôn xao cái tin này. Người ta thêm thắt đủ thứ. Có người hả hê. Có người lo lắng cho Cả Nghị… Thằng Dật điên tiết. Chưa có ai dám làm trái ý hắn như vậy. Bao nhiêu cô gái đã bị hắn hãm hại. Vậy mà lần này hắn lại khổ sở vì Diệu Lan, cô gái hắn trộm nhớ thầm thương nhưng không tài nào với tới được.. Hắn thường phóng ngựa qua nhà Cả Nghị, tức tối nhìn vào…Một lần uống rượu say khướt, hắn nói với đám bộ hạ:
       - Thử coi, Diệu Lan còn lấy được ai ngoài tao không? Hừ! Không chịu lấy tao…Đợi đấy!
      Mấy ngày liền Cả Nghị cáo ốm, cứ nằm lì trong phòng. Ông đón nhận những lời hăm he từ phía nhà lão Thậm với thái độ hết sức bình thản. Diệu Lan bước vào phòng cha. Nàng đến bên cạnh, thỏ thẻ:
       - Thưa cha, con lớn lên, chưa báo đáp được ơn trời biển của cha. Phận con như cánh hoa giữa đời, coi như kiếp này không may chịu cảnh phũ phàng. Cha bằng lòng gả con đi để tránh hiểm hoạ.
      Nói xong, nàng ứa nước mắt. Trông nàng héo rũ, Cả Nghị tê tái cả lòng.Vì con, ông đã làm trái lời thầy, quên đi chữ nghĩa, vấy bẩn lương tâm, hổ thẹn suốt đời. Giờ cũng vì con, ông chấp nhận đương đầu tất cả. Ông không thể lầm lẫn thêm một lần nữa. Ông nghiêm giọng:
       - Con không nên nói vậy. Ý cha đã quyết rồi, cha nhất định không  giao phó đời con cho kẻ cường bạo, vô đạo ấy.      
      Nghe cha nói, Diệu Lan khóc nức nở. Nàng nói trong tiếng nấc:
       - Cũng bởi con trẻ mà cha phải khổ lụy. Con không đành lòng thấy cha
ngày đêm lo nghĩ ưu phiền. Lòng con thật quá xót xa. 
       - Con không có lỗi, Cả Nghị an ủi, chỉ là do hoàn cảnh đưa đẩy thôi.
      Đợi cả tháng, vẫn không thấy động tĩnh gì ở nhà Cả Nghị. Biết việc không thành, lão Thậm ra tay. Một hôm, quan tổng đốc gọi Cả Nghị lên công đường tuyên đọc chiếu chỉ của vua  điều chuyển ông lên nhậm chức tri huyện ở một vùng đất mới khai khẩn giữa nơi thâm sơn cùng cốc. Quan tổng đốc còn dặn thêm:
       - Ông hưởng bổng lộc của triều đình thì phải lo báo đáp. Nơi đó lòng người chưa ổn, cướp bóc hoành hành. Đầu óc dân chúng còn chưa mở mang, chưa thấm nhuần ân đức của triều đình. Đây là lúc ông mang sở học một đời ra giúp nước.
      Cả Nghị cười chua chát. Ông thừa hiểu lời nói giả dối thô thiển của quan tổng đốc. Buổi sáng hôm ấy, mưa lất phất, hai cha con Cả Nghị lên đường. Chỉ có ông Nhị Trần và các bằng hữu ở Nam Hạ tiễn đưa. Cả Nghị mắt nhìn xa xăm, giọng buồn buồn:
       - Thật đáng tiếc thời trị mà chẳng khác nào thời loạn. Tình thế bức bách buộc Cả Nghị này phải ra đi. Chỉ mong trời cho được bình an để có ngày hội  ngộ, để được chén tạc chén thù với bằng hữu tâm giao.    
       Mọi người đều xúc động. Giây lát, ông Nhị Trần mắt đỏ hoe nói:
       - Đi đường nhớ bảo trọng!
      Hai cha con bước tới cỗ xe ngựa đã đợi sẵn. Cả Nghị đỡ Diệu Lan bước lên xe rồi quay lại từ biệt mọi người lần cuối. Hành trang vị tiến sĩ mang theo chỉ một ít đồ dùng và tấm biển chữ nghĩa bọc hai phần trong túi da dê, phần còn lại trên miệng túi hiện rõ mấy nét cẩn xà cừ óng ánh .

1 nhận xét: