Tranh Salvador Dali

XIN CHÀO CÁC BẠN ĐẾN VỚI BLOG PHẠM HỮU HOÀNG

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

NGƯỜI CHA THẢM HẠI




                                                                                                 

       Hạ và tôi quen nhau rất tình cờ. Tôi tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật ở Nhà văn hóa trung tâm thị xã. Gần bốn giờ chiều buổi triển lãm cuối, người xem đã hết, tôi loay hoay thu xếp đồ đạc chuẩn bị ra về thì bất ngờ một đôi nam nữ ghé vào. Chàng trai đó là Hạ. Cô gái tên Quỳnh Như, bạn gái của anh. Cả hai tíu tít bên nhau. Hạ dẫn Quỳnh Như đến nhìn từng bức ảnh. Có tấm anh lướt qua. Có tấm, anh dừng lại, ngắm nghía, bình phẩm. Quỳnh Như chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật đầu tán đồng. Tôi lặng lẽ quan sát. Hạ tóc cắt ngắn chững chạc, nai nịt gọn gàng. Quỳnh Như đẹp tự nhiên, không phấn son, cười duyên dáng với hai cái lúm đồng tiền trên má. Mái tóc đen dài buông xõa ngang lưng, vài lọn tóc lòa xòa trên vầng trán trắng mịn. Kiểu tóc quen thuộc của các cô gái ở thập niên tám mươi của thế kỉ trước… Xem xong một lượt, cả hai tới chỗ tôi, Hạ khẽ hỏi:
- Anh là tác giả của những tấm ảnh trưng bày trong phòng triển lãm này?
- Đúng vậy. Tôi gật đầu.
Tôi mời cả hai ngồi ghế đối diện, cầm bình trà rót vào mấy cái tách bằng sứ để sẵn trên bàn.
- Mời hai bạn dùng nước trà.
Quỳnh Như nhỏ nhẹ:
- Dạ, cảm ơn anh.
Hạ lên tiếng:
- Những khoảnh khắc cảnh vật, con người anh chộp được trong các tấm ảnh đều thể hiện một chủ đề riêng rất ấn tượng. Nhưng…
Hạ ngập ngừng như có điều khó nói. Suốt mấy ngày triển lãm, tôi nhận được toàn là những lời khen, những lẵng hoa tươi cùng lời chúc tụng của bạn bè, đồng nghiệp. Những lời nói lặp đi lặp lại, đôi lúc mòn sáo, có khi chẳng ăn nhập gì tới chuyên môn. Nghe riết thành quen. Tôi hờ hững đón nhận cùng với cái bắt tay chiếu lệ. Câu nói bỏ dở của Hạ tạo cho tôi sự tò mò. Anh muốn góp ý những tấm ảnh của tôi chăng? Tôi cười khích lệ:
- Tôi rất muốn nghe ý kiến của anh.
Và Hạ nói, chậm rãi, rõ ràng. Tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Anh nói về ánh sáng, màu sắc, bố cục, về cái thần một số tấm ảnh… Càng nói, Hạ càng thể hiện sự am hiểu tinh tường như anh là người trong nghề vậy. Những điểm tôi chưa đồng ý, anh phản biện rất có lý. Quỳnh Như vẫn ngồi im bên Hạ. Cô một nửa nghe còn một nửa đang nghĩ ngợi về điều gì đó…
Cuộc trò chuyện với Hạ hết sức thú vị. Tôi lưu số điện thoại của anh. Lúc tiễn anh và Quỳnh Như ra về, tôi nắm tay anh thật chặt

Về sau, tôi mới biết Hạ đã tốt nghiệp trường Đại học nghệ thuật Huế ngành hội họa. Thảo nào, anh nhận xét ảnh của tôi sâu sắc đến thế. Hạ hai mươi lăm, kém tôi bảy tuổi. Dần dần, chúng tôi thân thiết với nhau. Khi thì anh đem bức tranh mới vẽ đến cho tôi góp ý. Khi thì anh chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng lặn lội tới những nơi tôi cần để chụp ảnh. Rảnh việc, gọi nhau ra quán cà phê quen thuộc ở ngoại ô thị xã, nhâm nhi li cà phê đắng mà nói chuyện bao đồng… Tối hôm đó, Hạ bất ngờ đội mưa đến nhà tôi. Trông bộ dạng thiểu não của anh tôi chắc là đã xảy ra chuyện không hay. Ngồi chưa ấm chỗ, Hạ nói ngay:
- Em và Quỳnh Như chia tay rồi!
- Sao lại đến mức như vậy? Tôi hỏi.
- Không đến được với nhau, gieo neo chỉ làm khổ thêm mà thôi.
Hạ chậm rãi kể cho tôi nghe mối tình anh và Quỳnh Như, những trắc trở không thể vượt qua. Nghe xong câu chuyện, tôi không biết làm thế nào để chia sẻ với anh, chỉ biết im lặng mà ái ngại cho anh… Hạ ngồi thêm một lát nữa, nói vài câu bâng quơ chẳng ăn nhập vào đâu rồi đột ngột đứng dậy chào tôi ra về. Anh đi ra cửa, bước xuống cầu thang. Tiếng giày lộp cộp trên bậc cấp bằng gỗ. Tôi ra ban công. Mưa vẫn rơi. Cơn mưa dài lê thê. Không gian ẩm ướt, mùi hơi nước lạnh lẽo. Dưới ánh sáng vàng vọt từ những ngọn đèn đường, bóng Hạ lầm lũi đi trên vỉa hè rồi khuất sau khúc quanh. Tôi trở vào, gieo mình xuống chiếc ghế nệm dài, gối đầu lên thành ghế mà nghĩ ngợi…

Hạ và Quỳnh Như quen nhau đã lâu. Quỳnh Như học xong trường Cao đẳng Tài chính kế toán. Cảnh nhà neo đơn, cô không tìm việc làm mà về trông coi cửa hàng tạp hóa của gia đình nằm ở mặt tiền con đường trung tâm thị xã. Nhà Quỳnh Như khá giả, thuộc hàng gốc gác bề thế. Ba cô là người nệ cổ, coi trọng lối sống gia đình mẫu mực, nền nếp, lễ nghi thời xưa. Trong các lễ hội dân gian, cưới xin…, ông đến dự, đầu đội khăn đóng, mình diện chiếc áo dài thâm thẳng nếp. Ông rất gia trưởng. Vợ con trong nhà nghe theo ông một phép, không dám trái ý. Bởi thế, bà con xóm làng xầm xì, dị nghị, lời ấy tới tai ông:
- Ông ta biết bây giờ là thời nào không? Cuộc sống có như thưở trước đâu. Cổ hủ vừa vừa thôi chớ. Trên bảo dưới vâng nhưng dưới nói đúng thì trên cũng phải lắng nghe. Bọn trẻ bây giờ nhiều đứa giỏi ra phết đấy.
Người mạnh miệng thì nói thẳng:
- Ông nghĩ kĩ mà coi. Thế giới bây giờ rộng lớn lắm, không chật chội như trong cái đầu ông. Thì đấy, chuyện trời đất đâu đâu, chỉ cần Enter một cái là hiện ra rõ ràng trước mắt. Ông sống thoáng lên cho vợ con nó nhờ.
Nghe thì cứ nghe, ông không tranh cãi, nhưng cũng không thay đổi cách sống của mình. Biết rõ như thế, khi cùng Quỳnh Như tính chuyện hôn nhân, việc tất yếu phải đến, Hạ tỏ ra ngần ngại. Anh lần lựa mãi. Nhưng, cũng không còn cách nào khác, cũng đành phải mạo muội một phen.
Ba Quỳnh Như ngồi nghiêm nghị, lạnh lùng trước mặt Hạ. Vợ ông ngồi bên cạnh như pho tượng. Chờ Hạ nói xong, ông trả lời rành rọt:
- Tôi đã nghe con Quỳnh Như nhà tôi thưa chuyện. Tôi cũng muốn gặp anh để ba mặt một lời. Con gái tôi chưa phải là cành vàng, lá ngọc để kén nơi chức trọng quyền cao, nhưng không đến nỗi thấp hèn để về làm con dâu hầu hạ cho kẻ nát rượu be bét như cha anh. Tôi không thể gả con gái tôi cho anh được. Từ nay, tôi muốn anh phải chấm dứt mối quan hệ với nó. Anh đừng bao giờ bước chân đến nhà tôi nữa.
Nói xong mấy câu, không đợi Hạ trả lời, ông đứng dậy đi vào nhà trong. Chờ chồng khuất sau cánh cửa, má Quỳnh Như ái ngại nhìn Hạ:
- Tính ổng thẳng thắn, nói cái gì thì dứt dạt cái đó, không ai lay chuyển được. Thôi, cháu quên con Quỳnh Như đi.
Hạ đi qua cánh cổng sắt nhà Quỳnh Như với tâm trạng nặng nề. Anh có cảm giác từ một góc khuất nào đó, cô buồn rầu dõi theo anh. Lòng Hạ quặn thắt… Cũng chỉ vì ba của anh. Kẻ nát rượu. Không riêng gì ba Quỳnh Như, những người quen biết ở cái thị xã này đều nhìn ba anh bằng con mắt coi thường. Hạ rất khổ tâm về điều đó. Nhưng biết làm sao được…
Nhà Hạ nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Một ngôi nhà mái ngói ba gian cũ kĩ. Cả ba gian đều hướng mặt ra cái sân nhỏ phía trước. Gian trên để thờ phụng, mé bên phải kê một cái phản gỗ để ba anh nghỉ ngơi. Gian giữa là phòng khách. Gian cuối là phòng riêng của Hạ. Khi Hạ mới lên mười, má anh bị bệnh mất. Trong nhà chỉ có hai cha con. Ba anh làm nghề đạp xe ba gác mướn. Ông mắc chứng nghiện rượu. Như đã thành thói quen, ngày nào cũng vậy, sáng sớm đạp xe ra khỏi nhà, gần tối mới về, lúc về thường say xỉn, mắt lừ đừ, ngật ngưỡng trên yên xe. Ông lóng ngóng đạp xe vào góc sân, rồi khó nhọc bước xuống, chân nam đá chân chiêu loạng choạng đi vào nhà, vừa đi vừa vung tay hát một câu cải lương trong vỡ “Giọt máu chung tình” thịnh hành những năm 70 của thế kỷ trước, lời hát vấp váp: “Biên cương lá rơi… em… Thu Hà em ơi. Đường dài... hức... mịt mù em không… hức… đến nơi…” Không ít lần, ông say khướt tới mức bạn nhậu chở về, Hạ ra đỡ. Ông gạt tay anh ra, miệng cười méo xệch: “Ba đi được”. Nhưng chân bước không nổi, ông quờ quạng bò lên bậc cửa, vào trong nhà, ông lăn quay ra nền xi măng nằm queo mà ngủ...
Uống rượu và nói khoác là hai người bạn đồng hành với nhau. Khi rượu vào đến độ rần, ông bắt đầu huyên thuyên. Có chuyện ông thêm thắt vào. Có chuyện ông tưởng tượng ra. Ông nói khoác không vì mục đích đề cao mình. Và cũng không nhằm vào cái gì cả. Chẳng qua là ông thích nói như thế. Tật nói khoác làm người nghe khó chịu. Bạn nhậu châm chọc. Mặc. Người nghe xấu tính cáu gắt. Ông cười. Cũng chính vì tật nói khoác đó, mọi người càng đàm tiếu về ông hơn các bợm rượu khác… Ngay từ lúc còn học tiểu học, có lần, Hạ khóc sướt mướt khi mấy đứa bạn học cùng lớp giễu cợt. Chúng nhăn mặt, nhíu mày, uốn mình, múa máy chân tay, nhại giọng diễn tả điệu bộ ba anh chúng gặp tình cờ gặp tại một hàng rượu vỉa hè. Khi đã đủ hiểu biết, chờ ba anh tỉnh rượu, Hạ tỉ tê trò chuyện khuyên nhủ hết lời… Nghe Hạ nói, ông im lặng, trầm ngâm, nét mặt tư lự như đang cố đè nén một cái gì ở trong lòng. Sau đó, ông bỏ uống được vài hôm. Hạ chưa kịp mừng ông lại chứng nào tật nấy. Hạ lắc đầu ngao ngán. Ba anh cứ ngụp lặn trong rượu, vung tay nói khoác và càng trở nên thảm hại hơn dưới con mắt của mọi người. Anh chua chát ngẫm nghĩ: “Tại sao ba anh không được như những người cha khác trong đời, những người đàn ông bảnh bao, sang trọng, chiều chiều dẫn vợ con đi dạo trên phố, thỉnh thoảng ghé vào cửa hàng nào đó mua sắm, ăn uống, tiếng cười nói rộn ràng…”

Bẵng đi gần ba năm, tôi không nhận được tin tức gì về Hạ. Chỉ vì điều kiện sinh sống, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm phóng viên ảnh cho một tờ báo. Những ngày mới vào, tôi gọi điện, nhắn tin thăm hỏi. Rồi bao nhiêu thứ bề bộn cuốn hút, nhiều quan hệ mới được thiết lập, thì giờ của tôi càng ít ỏi, cuộc trao đổi của chúng tôi qua điện thoại thưa dần rồi dứt hẳn. Đôi lúc, còn lại một mình, khi không còn vướng bận điều gì, tôi lại nhớ tới anh. Không biết mối quan hệ giữa cha con anh tiếp diễn ra sao? Tình yêu của anh và Quỳnh Như kết cục như thế nào? Có lối thoát nào cho anh không? Nhưng tôi ngại hỏi thăm anh vì sợ biết đâu mình vô tình khơi dậy nỗi buồn mà Hạ đang cố quên. Cho đến một hôm, tôi về quê dự họ đám cưới một đứa cháu. Việc cưới hỏi xong xuôi, trời xâm xẩm tối, tôi đến thăm Hạ. Vẫn ngôi nhà cũ, đồ đạc bày biện không có gì thay đổi. Gặp tôi, Hạ rất mừng:
- Tưởng không còn gặp anh nữa. Anh về mấy hôm? Chừng nào vào lại trong đó?
- Vài bữa. Sáng mai đi.
Cách mới mấy năm mà trông Hạ đã khác đi nhiều. Gò má nhô cao xương xẩu, mắt thâm quầng, hàng ria lún phún trên mép.
- Trông bộ dạng chú, anh có cảm giác như xa chú đã mười năm.
Hạ cười gượng gạo:
- Em già đi phải không? Nhiều người nhận xét về em như vậy. Anh vào nhà! Hạ giục giã.
Tôi theo Hạ vào phòng khách. Trong phòng treo đầy tranh. Có bức đã hoàn thiện. Có bức mới là phác thảo. Mắt tôi dán vào bức tranh vẽ bán thân một thiếu nữ treo ở vị trí trang trọng. Quỳnh Như! Tôi thảng thốt kêu lên. Nổi bật trên cái màu nền tối là gương mặt sáng đẹp rạng ngời, thanh khiết. Bức tranh thật ấn tượng. Giọng Hạ ngậm ngùi:
- Lần cuối gặp nhau, cô ấy khóc tức tưởi không nói được lời nào. Em biết, cô ấy đau khổ không kém gì em. Hôm đám cưới cô ấy, em không đến dự nhưng có gửi quà mừng. Rồi làm bộ điệu vui vẻ, Hạ lảng sang chuyện khác. Thôi, nhắc làm gì chuyện ấy nữa, anh kể đi, thời gian qua anh sống thế nào?
Tôi nói về nghề nghiệp tạo cho tôi cơ hội đi đây đó, về những chuyện thú vị nơi đất lạ xứ người… Còn anh, anh chỉ nghe, thỉnh thoảng chêm vào một câu cho có. Điều này thật lạ. Trước đây, Hạ đâu có như thế. Tính anh vốn sôi nổi kia mà! Tôi nhìn ra ngoài sân. Chiếc xe ba gác nằm ở cái góc quen thuộc. Ba anh đã về. Nãy giờ sao không nghe tiếng ông. Hồi ấy, mỗi lần tôi tới nhà, dù chếnh choáng, ông vẫn bước ra phòng khách, cười hềnh hệch, vỗ vai tôi nói vài câu xỗ xã. Tôi rất vui với sự thân thiện mộc mạc đó. Tôi hỏi:
- Ba chú không có ở nhà sao?
Gương mặt Hạ bỗng sa sầm lại. Có chuyện bất thường gì đây. Hạ mời tôi lên nhà trên. Vừa bước qua ngạch cửa, tôi sững sờ không tin vào mắt mình nữa. Đập ngay vào mắt tôi là di ảnh ba anh đặt trên bàn thờ.
- Ba em mất hơn một năm rồi.
Bấy lâu nay, tôi vẫn thầm mong một kết thúc có hậu cho Hạ. Nào ngờ, thêm một lần nữa, phải chứng kiến nỗi đau đời của anh. Tôi xin phép anh, bước tới bàn thờ, thắp nén hương. Tấm hình ba anh chụp hồi còn trẻ, đôi mắt giống hệt đôi mắt anh. Đôi mắt người đã khuất hay đôi mắt mang tâm trạng dày vò của Hạ làm tôi xót xa, ngậm ngùi. Hạ lại chỗ chiếc phản. Một cái hộp gỗ hình chữ nhật để sẵn nơi đầu phản. Anh bưng cái hộp rồi mời tôi trở lại phòng khách. Hạ đặt cái hộp lên bàn, giọng buồn rầu:
- Mất Quỳnh Như, lòng em hết sức trống trải, người lúc nào cũng thấy chênh vênh, buông trôi, không phương hướng. Em không thiết bất cứ chuyện gì. Ba lo lắng hỏi, em cáu gắt: “Mặc con! Ba giúp được gì cho con mà hỏi”. Ba buồn. Càng uống rượu. Nhiều trận say bí tỉ. Có khi nằm vất vưởng trên ghế đá công viên, cái nón cời úp lên mặt... Cho đến một hôm, giữa buổi chiều ba đạp xe về nhà. Mặt tái nhợt, nhăn nhó. Tay ôm bụng. Chưa kịp vào nhà, ba ói ra máu tươi. Máu chảy xuống ngực đỏ cả chiếc áo. Em đưa gấp ra bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bệnh loét dạ dày mãn tính. Bác sĩ còn cho biết bệnh đã phát từ lâu. Thì ra, ba cố giấu em. Chắc vì thái độ tàn nhẫn của em…
Nhìn nét mặt rầu rĩ của Hạ, tôi càng tội nghiệp cho anh. Đành rằng, đời người, cũng có lúc gặp phải nghịch cảnh đau lòng. Nhưng những gì mà Hạ đã chịu đựng thì thật quá sức của anh. Mắt Hạ đỏ hoe. Giọng anh xúc động:
- Hồi ba còn sống, một đêm khuya, em thức giấc, nhà trên còn sáng điện, bên ngoài mưa gió ào ào. Em rón rén bước lên, ba ngồi như cái bóng bên bàn nước. Trước mặt là cái hộp này. Ba nhẹ nhàng mở hộp, lấy ra một cuốn sổ. Ba hí hoáy viết vào sổ. Nét mặt lạ lắm. Chưa bao giờ em nhìn thấy nét mặt ba như lúc đó… Sau khi ba mất, em tìm thấy cái hộp trong tủ đựng áo quần của ba. Trong hộp, vẫn còn nguyên những di vật mà ba một đời ấp ủ.
Hạ mở nắp hộp, cầm ra sợi dây chuyền vàng mặt ngọc, tập album ảnh và một cuốn sổ đã cũ. Hạ nói tiếp:
- Sợi dây chuyền này là kỉ vật ba tặng má ngày đám cưới. Những tấm ảnh ba má chụp lưu giữ thưở hạnh phúc bên nhau. Hạ cầm cuốn sổ lên đưa cho tôi, anh đọc đi, cả đời ba em được ghi lại trong đó.
Mở cuốn sổ, những dòng chữ quệch quạc, chắp nối, không giống như nhật kí. Bởi chủ yếu là những dòng tâm sự: “Má thằng Hạ ơi, tui hứa với má nó không yêu thương ai nữa. Tui ở vậy nuôi con mình khôn lớn. Má nó yên tâm nơi suối vàng”. Đoạn khác: “Tui uống rượu làm khổ con. Nhưng nhớ má nó, tui buồn. Tui không có cách nào khác, chỉ biết quay cuồng trong men say”. Một đoạn nữa: “Thằng con mình đã thành tài rồi. Hôm nay nó lãnh bằng tốt nghiệp đại học. Má thằng Hạ sống khôn thác thiêng phù hộ cho con có công ăn việc làm đỡ cực nhọc như tui…”.
Gấp cuốn sổ lại, lòng tôi bồi hồi xốn xang. Hạ nghẹn ngào:
- Má mất, dù còn trẻ, ba dửng dưng với bao ánh mắt đón đưa. Ba không tục huyền, thân gà trống nuôi em đến ngày trưởng thành. Ba đã giữ đúng lời hứa đó. Em đã hiểu ra, người cha thảm hại ngập ngụa trong những cơn say triền miên lại là người sống chung thủy nghĩa tình nhất trên đời. Anh biết không? Giây phút sắp lâm chung, ba ứa nước mắt nói: “Ba biết, vì ba mà con đổ vỡ hạnh phúc… Ba có lỗi với con… Ba không yên lòng nhắm mắt...”. Trời ơi! Sự ích kỉ như đám mây mù che lấp mắt em để không nhận ra ba là người yêu thương em vô bờ bến. Ba xuôi ngược tảo tần chăm lo cho em đủ mọi thứ, từ hộp bút, bộ cọ đến giàn vi tính cấu hình mạnh đắt tiền để vẽ hình họa mà không phải người sinh viên nào trường mỹ thuật mơ ước đều có được... Ba gò lưng căng sức chở thêm hàng, cuốc thêm chuyến xe đêm, đổ biết bao mồ hôi, nước mắt kiếm từng đồng gom góp mua cho em. Khổ tới đâu ba cũng cắn răng chịu không một lời than vãn.… Vậy mà em lại nghĩ không hay về ba, đã đối xử lạnh nhạt với ba, cáu gắt ba: “Mặc con! Ba giúp được gì cho con mà hỏi”. Suốt đời này, em không bao giờ tha thứ cho mình khi nói câu nói đó. Em thật là kẻ tồi tệ! Giá như em còn có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình! Em sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ để nhìn thấy ba chiều chiều ngật ngưỡng trên chiếc xe ba gác trở về nhà và được nghe ba hát câu cải lương quen thuộc, não nề:“Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi…”
Hạ cúi mặt xuống, hai tay ôm lấy đầu. Bờ vai anh rung rung. Tôi đứng dậy, bần thần, lặng lẽ đi ra cửa. Tôi đi gấp gáp như trốn chạy. Có một điều tôi chưa kể cho Hạ nghe, và có lẽ, không bao giờ tôi kể. Đây là lí do tôi để tâm nhiều câu chuyện về người cha của anh. Bởi Hạ ơi! Cũng như anh, tôi hiện đang có một người cha như thế.


Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

CÕI MÊ


     Cửa hàng điện thoại của Hoạch nằm ở một con đường nhỏ ngoại ô thị trấn nhưng rất đắt khách. Ông chủ cửa hàng hành nghề sửa chữa điện thoại, mua bán các loại điện thoại di động cả mới lẫn cũ, các loại sim, card. Khách hàng cần, sẵn sàng cầm theo giá thỏa thuận. Bạn bè mừng cho việc làm ăn khấm khá của Hoạch. Nhưng cũng có người lo lắng. Hân, nguời bạn thân nói:
- Mày cẩn thận, tao thấy khách đến cửa hàng phần đông là đám choai choai, tóc nhuộm xanh đỏ, mặt mày lầm lì bặm trợn. Tụi nó tới cắm điện thoại lấy tiền chơi bời là chính. Toàn là những đứa liều lĩnh bạt mạng. Mày lại sống một mình, tụi nó để ý, làm ẩu, thì mày chống đỡ làm sao?
Hoạch trả lời:
- Hơi đâu nghĩ nhiều. Mình mua bán đàng hoàng. Giá phải chăng. Không đứa nào dám làm gì đâu.
Một buổi chiều mưa rả rích. Cơn mưa kéo dài tới chạng vạng. Ngoài đường lạnh lẽo không bóng người. Chiếc xe hon đa wave alpha chất ba đỗ xịch trước cửa tiệm. Thằng lái vẫn đội áo mưa ngồi yên trên xe, máy vẫn nổ. Hai thằng xộc vào tiệm.
- Mấy em cần gì? Hoạch hỏi
- Cắm điện thoại.
Một thằng móc túi quần lấy ra cái điện thoại cũ trông giống như cục sắt đưa cho Hoạch. Nó hất mặt hỏi:
- Bao nhiêu?
Cầm cái điện thoại cổ lỗ sĩ trầy tróc loang lổ, Hoạch lắc đầu:
- Cái điện thoại này không cắm được.
- Đ. mẹ. Mày có cắm hay không? Một triệu. Bọn tao chỉ lấy một triệu thôi?
Hoạch hoảng hốt ngó quanh quất cầu cứu. Không có ai. Ánh điện cửa hàng hắt ra một quầng sáng nhạt yếu ớt. Con đường hun hút trong bóng tối. Mưa giăng giăng. Không một bóng người. Hoạch đành cố nói dịu:
- Mấy em thông cảm. Cửa tiệm anh cò con làm gì có một triệu đưa cho mấy em. Hay là mấy em sang cửa tiệm khác vậy.
- Nhiều lời! Mất thì giờ bọn tao. Có đưa không?
Thằng cầm điện thoại xáp lại, Hoạch lùi ra sau. Nó cầm cái lọ thủy tinh đựng thuốc lá và kẹo để trên mặt tủ đập mạnh xuống đất. Xoảng. Mảnh văng tung tóe. Trong lúc Hoạch tái mặt, sợ hãi, nó nhanh như sóc, đi vòng vào phía trong tủ, thò tay vào ngăn kéo đựng tiền hốt một nắm nhét vội vào túi áo khoác.
Cả một ngày làm việc toát mồ hôi, kể cả vốn mới được bao nhiêu đó. Vô cớ mất toi. Tiếc của, Hoạch quên cả sợ, la lớn:
- Cướp! Bà con ơi! Cướp!
Hoạch toan xông tới chỗ thằng cướp tiền thì thằng còn lại đấm một cú vào mặt. Cú đấm làm Hoạch choáng váng, té nhào xuống. Hoạch lồm cồm chưa kịp đứng dậy, nó sấn tới đạp thẳng vào ngực làm anh ngã ngửa ra sau, đầu đập vào cạnh tường ngất xỉu. Bọn nó nhảy lên xe, rồ ga biến mất.


Tỉnh đậy, Hoạch thấy mình nằm trên chiếc giường bệnh viện. Đầu anh đau như có những mũi kim châm chích.
- Con tỉnh rồi. Má lo quá.
- Con nằm bao lâu rồi?
- Hơn một ngày đêm.
Hoạch cố gượng ngồi dậy, má anh chất gối cho anh dựa lưng vào thành giường. Ba anh mất lâu rồi. Chị gái đi lấy chồng xa. Chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Hoạch chợt lo lắng:
- Cửa tiệm thế nào hở má?
- Má khóa rồi.
- Công an tới làm việc chưa?
- Hôm đưa con đi cấp cứu, ban cán sự khối phố đã báo sự việc lên công an thị trấn. Nghe nói họ đến. Không có chủ nhà, họ bảo chờ con xuất viện về sẽ giải quyết. Thôi, con lo thân con cái đã. Mạnh rồi hãy tính.
Đầu hoạch bị chấn thương, đau nhức, đứng lên ngồi xuống xây xẩm muốn té. Hơn một tháng điều trị, ra viện, Hoạch cố nhớ mặt dò tìm những thằng cướp cửa tiệm. Chúng nó chắc cũng quanh quẩn trong thị trấn này thôi. Cũng chẳng mất nhiều thời gian. Tụi nó vẫn nghênh nghênh phóng xe trên đường phố. Cái mặt chúng vẫn lấc khấc, trơ lì đáng ghét. Hoạch càng thêm căm tức. Anh hỏi tên từng đứa rồi viết đơn gửi đến công an thị trấn.
Hoạch là người cả nghĩ, hay lo. Bất cứ chuyện gì xảy ra liên quan đến mình đều làm cho Hoạch căng đầu nghĩ ngợi. Có khi mất ăn mất ngủ, phát quẩn lên vì chuyện nhỏ rức, đâu đâu. Đơn đã gửi. Hoạch ngày đêm lo lắng. Không biết công an chừng nào sẽ xử? Họ sẽ xử ra sao? Có đem lại sự công bằng cho anh không? Có đền bù thiệt hại vật chất, tinh thần mà anh phải chịu không? Không một ai chia sẻ. Đến lúc này Hoạch mới thấm thía sự cô đơn. Anh nhớ đến chú Thao. Giá mà chú còn sống. Chú mất năm ngoái vì căn bệnh hiểm nghèo. Chú Thao là chú họ của Hoạch và là người mà anh kính trọng nhất. Hoạch thường sang nhà chú chơi. Chú Thao rất mến Hoạch. Chú nói chuyện thời thế nghe rất thích. Nhà cửa chú bề thế sang trọng ở trung tâm thị trấn. Hai đứa con chú đi du học ở nước ngoài. Chú là cán bộ ăn lương nhà nước mà sao giàu như vậy? Không ai biết. Chú không hé miệng kể về việc làm ăn của mình như mấy tay mới phất thường khoe mẽ. Chú sống tốt với bà con, xóm làng. Ai có việc cần, chú sẵn sàng giúp ngay. Đến chỗ công quyền, chú cũng không e ngại. Không riêng gì Hoạch, mọi người coi chú như một mẫu mực. Mỗi khi gặp trắc trở không thể vượt qua, người đầu tiên Hoạch nghĩ tới là chú. Hoạch thở dài. Thêm nữa, thời gian nằm viện, thấy má khổ với mình, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, Hoạch lại buồn. Anh thấm thía sự thiếu vắng bàn tay người vợ. Gần bốn mươi tuổi Hoạch vẫn thui thủi một mình. Thực ra, Hoạch cũng có một mối tình. Người Hoạch yêu là Dung, con gái một gia đình thị dân. Trong lúc Hoạch đang say đắm với tình yêu thì Dung đột ngột nói lời chia tay. Cô ta khóc sướt mướt: “Ba má em ép gả. Em không dám cãi lời. Em có lỗi với anh nhiều. Mong anh tha thứ cho em”. Trông thái độ quả quyết của Dung, Hoạch biết mình đã mất Dung mãi mãi. Ngày đám cưới Dung, nhìn cô vòng vàng đầy người sánh vai với người chồng giàu có bước lên ô tô bóng loáng, lòng anh đau nhói. Dung lấy chồng được mấy năm, bất ngờ, Hoạch nghe tin cô tự tử. Hoạch không biết lí do gì. Anh càng xót xa. Anh chưa bao giờ quên được Dung.
Công an thị trấn mời Hoạch ra lấy lời khai, hồ sơ vụ việc được chuyển lên công an huyện theo thẩm quyền. Thế nhưng, tới nửa năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết. Hoạch nhiều lần đến công an huyện hỏi thì được nghe điều tra viên trực tiếp thụ lí vụ việc trả lời quanh đi quẩn lại mấy câu: “Bận đi học, chưa rảnh”, “Đang xảy ra một số vụ trọng án phải tập trung xử lí trước” hoặc là “Từ từ, cần có thời gian tìm đầy đủ nhân chứng vật chứng đã…”. Mỗi lần từ công an huyện về, anh thêm tức tối trong người. Hân ân cần khuyên lơn:
- Mày thôi chuyện kiện tụng đi. Nói cho mày biết thằng đánh mày là quí tử của một sếp đó… Tụi nó quậy phá cả thị trấn này ai cũng biết. Có ai làm gì được tụi nó đâu? Chuyện của mày là cái đinh gì? Nên thua non đi.
Hoạch cự lại:
- Tao đánh bạc đâu mà thua non. Bị ức hiếp, tao kiện.
- Thì mày đã kiện đấy. Kết quả ra sao? Hay chỉ làm khổ mình mà thôi.
Lời khuyên của Hân không phải không đúng. Nhưng Hoạch bỏ ngoài tai vì trong lòng nỗi uất hận càng lúc càng tăng như những con bọ gậm nhắm hủy hoại niềm vui sống từng ngày trong đời. Hoạch sang cửa tiệm cho người khác, dọn về ở với má. Anh nghĩ đi nghĩ lại, tính tới, tính lui tìm đủ mọi phương cách giải quyết, nhưng rốt cuộc không có cách nào ổn cả. Bế tắc. Nỗi u uất làm Hoạch càng héo hắt. Bộ dạng tiều tụy, thảm hại. Dần dần, Hoạch thu mình trong phòng riêng, không tiếp xúc với bất kì ai. Anh ăn uống thất thường, nhiều lần, anh ngồi trong góc phòng, hai tay ôm chặt đầu, miệng lảm nhảm những lời lộn xộn khó hiểu. Nhưng khi nói những lời ấy, gương mặt Hoạch đanh lại, mắt trừng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống ai đó. Má Hoạch lo lắng bước lại gần, trỏ vào mình hỏi:
- Con có biết ai đây không?
- Bà tiên! Bà tiên! Cứu giúp tôi với!
- Má con đây mà! Nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Con đừng làm má sợ.
Hoạch nắm chặt tay má, giọng van lơn:
- Bà tiên ban phép màu giúp con, giúp con.
Mọi người bảo: “Bị điên rồi, nên đưa đi chữa trị ngay”. Má Hoạch đưa anh vào bệnh viện tâm thần. Vị bác sĩ sau khi khám và làm đủ các xét nghiệm, đã ghi vào hồ sơ bệnh án “Rối loạn stress sau sang chấn”. Bác sĩ giải thích thêm:
- Bệnh nhân phải điều trị theo phác đồ. Cần nhập viện để tiện việc theo dõi diễn biến bệnh.
Tiền Hoạch dành dụm bấy lâu nay giờ tiếp tục đưa ra trị bệnh. Má Hoạch xin cho anh được nằm phòng riêng theo yêu cầu. Tốn kém cũng chẳng sao, miễn Hoạch nhanh bình phục. Phải nói, chăm sóc người bệnh tâm thần vất vả biết chừng nào. Phải canh chừng bệnh nhân thường xuyên. Chung quanh, còn những người bệnh khác với những biểu hiện khác thường. Người nuôi bệnh luôn căng thẳng đề phòng nên càng thêm mỏi mệt. Thời gian Hoạch nằm viện, Hân thường xuyên đến thăm. Thấy má Hoạch đã kiệt sức, Hân ở lại chăm sóc thay. Nhờ y bác sĩ tận tâm điều trị, bệnh Hoạch dần thuyên giảm. Hoạch không còn nói xàm nữa. Nhưng tác dụng của các loại thuốc thần kinh làm Hoạch thường chìm sâu vào những giấc ngủ dài. Theo đó, thường có những giấc mơ đến bất ngờ. Những mảng đời từ nơi nào trong kí ức chợt hiện về. Có lần, Hoạch mơ thấy ngôi nhà anh ở thời thơ ấu vách đất mái tôn lụp xụp trong con hẻm sâu. Ba Hoạch đạp chiếc xe đạp cũ kĩ lóc cóc chở thùng trái cây: cốc, me, ổi, xoài gọt vỏ cắt lát ghim vào que tre ngâm vào thẩu nước đường, đi bán cho học sinh ở các cổng trường. Chiều về, ông dựng vội chiếc xe đạp vào gốc vú sữa, chị em Hoạch chạy ra mừng, ông ôm cả hai chị em nhấc bổng lên hôn lấy hôn để rồi đi vào nhà, lấy những đồng tiền giấy nhàu nát trong túi áo vuốt thẳng thóm, tươi cười đưa cho má anh: “Cất đi, để dành đóng học phí cho con”. Lần khác, Hoạch thấy cùng Hân về quê ngoại. Buổi trưa ngày hè cháy nắng, cả hai ra đồng đắp đất be bờ chặn một khúc mương tát nước bắt cá. Lội bì bõm trên bùn nước, cả hai cong lưng mà vục cái gàu nhựa múc nước tạt qua bên kia bờ. Nước cạn, cá chép, diếc say bùn trồi lên giãy đành đạch trên mặt nước tha hồ vớt. Còn cá rô, trê, tràu rúc sâu xuống bùn, thi nhau mò. Tới chiều, lờ cá đã lưng lửng, hai đứa mặt mày mình mẩy lấm lem bùn đất hớn hở ra về…
Tối hôm đó, Hân lại xuống bệnh viện ở với Hoạch. Sau một hồi tán gẫu cặp mắt Hoạch ríu lại. Anh đang chống chọi cơn buồn ngủ… Hoạch mở mắt ra. Anh đang ở trong một căn phòng rộng trông giống như cái sảnh của một ngôi đình cổ. Những cột tròn sơn son chạm trỗ những hình thù kì quái. Vòm mái cong vút. Chỗ góc phòng lố nhố những bóng người nhìn không rõ mặt ẩn sau làn khói trắng mờ mờ ảo ảo. Gần đấy, chính giữa vách hậu có cánh cửa sắt lớn đang đóng im ỉm. “Mình đang ở đâu thế này?”. Hoạch nói thầm. Bỗng một người trong số đó bước ra, đi lại chỗ Hoạch, giọng quen quen:
- Anh không nhận ra em sao?
- Dung! Hoạch thảng thốt kêu lên.
- Em đây, Dung bước lại gần, gương mặt cô nhợt nhạt, môi run run, cuộc đời em bạc phận, em hối hận vì chuyện ngày trước. Em đã lầm lẫn. Giá như ông trời cho em một cơ hội bắt đầu lại thì em sẽ bất chấp tất cả mà đến với anh.
Giọt nước mắt Dung ứa ra làm Hoạch chạnh lòng. Trong lúc Hoạch đang bối rối, xúc động, một người tầm thước bước tới:
- Thật đáng thương! Cháu phải thông cảm cho hoàn cảnh tội nghiệp của cô ấy.
Chú Thao. Không nhầm lẫn được. Hoạch mừng rỡ như bắt gặp một điểm tựa:
- Cháu gặp tai vạ, bị người ta ức hiếp.
- Oan trái, bất công là chuyện muôn thưở của cõi đời. Thời nào cũng vậy, không tránh khỏi. Thân cô thế cô như cháu đi tìm công lí khó khăn đấy. Đáng tiếc, giờ chú không giúp gì cho cháu được.
- Cháu phải làm sao đây?
- Làm lớn chuyện không có lợi cho cháu, không có lợi cho nhiều người, lại bị kẻ xấu lợi dụng. Cháu nên học chữ nhẫn, hãy nhớ: “Một câu nhịn, chín câu lành”. Cháu biết yên phận thì tránh được mọi phiền phức về sau, cuộc sống cháu mới được bình yên.
Sao chú Thao lại nói với mình như vây? Hoạch chợt nhớ chú với tay sếp kia có quen biết. Một lần, Hoạch thấy hai người vui vẻ cùng vào một nhà hàng sang trọng. Lẽ nào chú Thao…
Hoạch phân vân không dám nghĩ tiếp. Chú Thao nói một cách quả quyết:
- Cháu cứ nghe lời chú đi. Cháu không tin chú sao?
Im lặng. Hoạch nhìn quanh quất như cố nhớ ra điều gì. Anh hỏi:
- Đây là đâu vậy chú?
- Cháu không biết thật sao? Chỗ này là âm phủ. Giọng chú Thao trở nên khô khan, trỏ cánh cửa sắt, chú nói tiếp, cánh cửa dẫn xuống các tầng địa ngục. Chú chỉ vào những cái bóng đứng ngồi ở góc phòng, đó là những hồn ma đã được Diêm Vương phán tội đang chờ mở cửa địa ngục để giải đi.
Hoạch rợn người. Anh ngửi thấy mùi âm khí nặng nề, miệng lắp bắp:
- Chẳng lẽ… chú và Dung cũng… ở trong số đó.
- Đúng vậy, chú và cô ấy đang đợi đến lượt mình.
Sững sờ! Hoạch như không tin vào tai mình nữa. Gương mặt chú Thao và Dung bỗng méo mó đáng sợ. Căn phòng tự nhiên chao đảo. Chú Thao, Dung và những cái bóng ma mờ dần rồi biến mất. Hoạch chới với nhưng cố hét lên:
- Dối trá! Trời ơi! Kinh khủng quá!
Nghe tiếng hét, Hân giật mình ngồi xổm dậy, bước sang giường Hoạch. Trong mùng, Hoạch đang giãy giụa, tay đập xuống chiếu, mồ hôi chảy như tắm. Hân đánh thức bạn:
- Chuyện gì vậy?
Hoạch mở mắt ra, gương mặt anh đang bị kích động:
- Dối trá! Thật không thể tin nổi.
- Ai dối trá? Dối trá chuyện gì?
Bình tĩnh trở lại, không có vẻ gì của một người bệnh, Hoạch kể giấc mơ cho Hân nghe. Xong, Hoạch gằn từng tiếng:
- Tới cửa địa ngục mà còn nói được những lời lẽ như thế.
Hoạch xuất viện về nhà. Vụ việc rồi cũng được đưa ra xét xử. Nhưng, từ khi bình phục, không hiểu sao Hoạch dửng dưng không quan tâm đến vụ kiện ấy. Càng lạ hơn, trên tòa, anh đề nghị giảm nhẹ tội cho những tên ngỗ nghịch đó. Anh ít nói hơn trước, ngại tiếp xúc, các mối quan hệ thưa dần. Hoạch sửa lại mái nhà dột, đỡ đần má từ việc nhỏ đến việc lớn. Điều mà xưa nay Hoạch ít khi làm. Anh xin được chân bảo vệ một công ty sản xuất tư nhân. Má anh vui hẳn lên. Trông bà như trẻ ra. Người ta bàn tán về Hoạch đủ điều, có người cho là do di chứng bệnh tâm thần làm tâm tính anh thay đổi. Có người lại cho rằng Hoạch xuống nước để được yên thân… Hoạch nghe hết nhưng vẫn không nói gì. Anh sống hồn hậu, chan hòa với mọi người như chuyện vừa qua chưa từng xảy ra trong đời .