Quan
đốc học Cả Nghị dù đang cận ngày sát hạch học trò, chuẩn bị cho kì thi hương,
vẫn sắp xếp công việc về làng Nam Hạ dự hội. Ngày hội năm nay có lễ rước thần.
Vị thần tên Khiết, đỗ cử nhân, đến Nam Hạ mở trường dạy học. Đức độ, tài hoa của
thầy Khiết nổi tiếng một vùng. Học trò cả tam Nam: Nam Hạ, Nam Trung, Nam
Thượng; lục Ngãi: Ngãi Nam, Ngãi Bắc, Ngãi Tây… theo học rất đông. Bấy giờ, có
tên Thậm, chánh tổng làng Ngãi Bắc, ngang ngược, gian ác. Hắn giàu tới mức chỉ
riêng ruộng đất có tới hàng mấy trăm mẫu. Hắn cầu thầy địa lý giỏi dò long mạch,
tìm chỗ đất tốt đào huyệt táng hài cốt cha hắn để mong vinh hoa, phú quí hơn.
Xem xét hết đồng nọ, gò kia, thầy điạ lý chọn được thửa đất mới vỡ hoang của
một người dân Nam Hạ. Hắn dùng thủ đoạn chiếm đoạt thửa đất ấy. Thầy Khiết giúp
người bị ức hiếp làm đơn kiện lên quan. Vụ kiện thất bại. Ít lâu sau, thầy đi
thăm người bạn ở làng bên về, đám tay chân của tên Thậm chận đường gây sự đánh
thầy đến chết. Thầy chưa vợ, không họ hàng thân thuộc. Cả Nghị cùng với các bạn
đồng học lặng lẽ mai táng thầy trên một gò đất cao. Vụ án gây xôn xao một lúc
rồi cũng bị quan trên dìm đi. Người làng không dám ho he nhưng ngậm ngùi thương
tiếc. Họ đem bài vị thầy vào thờ trong đình như một vị thần làng. Hằng năm, nhằm
vào ngày thầy qua đời, dân làng mở hội tại bãi đất rộng trước đình…Về
dự hội còn là dịp Cả Nghị gặp lại các bằng hữu ở làng. Những người sống đạm bạc
với ruộng vườn, vui cùng cây cảnh, thơ phú. Ngày hội đã tàn. Người dự hội về
hết. Ông thủ từ trải chiếc chiếu ra giữa sân đình. Cả Nghị và bằng hữu tiếp tục
đối ẩm, luận bàn chuyện văn chương, thế sự... Cao hứng, Cả Nghị ứng khẩu ngâm
mấy câu thơ: Bằng hữu tâm giao lưu vạn thuở. Chung đầy xin cạn men
tình say. Ông Nhị Trần, người lớn tuổi nhất, từng trải
việc đời cầm ly rượu nói:
-
Ý thơ Cả Nghị như tạc vào đá. Công danh chỉ là giấc phù hoa, đời người như bóng
câu, mới đó mà điểm bạc mái đầu. Vì tình bằng hữu mãi mãi, ta cùng uống cạn
chung này.
Mọi
người hưởng ứng nâng cao ly rượu… Trời về khuya. Trăng chênh chếch trời tây. Cả
Nghị đã ngà ngà say. Người thủ từ dìu ông vào đình, đỡ nằm trên cái phản gụ kê ở
góc phải nhà ngoài. Tiếng cười nói ngoài sân im ắng dần. Lúc này, Cả Nghị nghe
vọng vào những âm thanh thân thiết của tiếng ếch ngoài đồng cùng với tiếng chim
bay đêm xào xạc trên các tán lá cây. Ông thoáng nhớ lại thời ấu thơ cùng đám bạn
nhỏ bẩy chim hoặc lội bì bõm trên các con mương làng úp cá…Tháng ngày đèn sách ở
nhà thầy…Rồi giây phút hồi hộp nghe xướng tên tiến sĩ, được mặc triều phục làm
lễ tạ ơn vua… Cả Nghị trở mình trên tấm phản, ông nhớ tới chữ
nghĩa trên tấm biển của bằng hữu ở quê tặng trong ngày
vinh qui bái tổ…

Những nét chữ cẩn xà cừ óng ánh. Khi được triều đình bổ nhiệm
chức quan đốc học tỉnh, ông dời nhà vào thành cho tiện việc quan. Ông mang theo
tấm biển treo trên bức vách trong thư phòng. Bước vào hoạn lộ, mấy mươi năm nếm
đủ mùi vinh nhục... Mỗi lần mỏi mệt, nhìn tấm biển, lòng ông thường ấm lại… Ánh
trăng gầy guộc nhuốm vàng khoảng sân trước đình…Vài chiếc lá xào xạc trên thềm…
Gió thoảng lành lạnh… Ánh sáng ngọn nến leo lét… Bỗng một người mặc áo dài khăn
đóng tiến vào. Thấy rõ mặt, Cả Nghị vội tụt ngay xuống phản, vòng tay thi lễ.
Miệng ấp úng:
- Con chào thầy.