Tranh Salvador Dali

XIN CHÀO CÁC BẠN ĐẾN VỚI BLOG PHẠM HỮU HOÀNG

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

BIỂN TÍM



          Mạnh gấp vài bộ quần áo bỏ vào va li, rồi cầm mấy món lặt vặt để sẵn trên giường cho vào ngăn phụ: máy ảnh kỹ thuật số, cục sạc điện thoại, kem bót đánh răng, khăn mặt…Anh đứng tần ngần cố nghĩ xem còn thiếu thứ gì nữa…Mệt óc, Mạnh tự nhủ, tới nơi, nếu cần mua thêm. Anh đậy nắp va li lại. Mạnh được cơ quan cho nghỉ phép mười lăm ngày. Gần đây, trông anh quá mỏi mệt. Quanh quẩn một nhịp sống đơn điệu, tẻ nhạt: công việc nhà nước đều đặn ngày hai buổi, lúc rỗi rảnh thì cà phê, nhậu lai rai với bạn bè tán đủ chuyện trên trời dưới đất: xì căng đan của một sao ca sĩ đồng tính, cầu thủ bóng đá nổi tiếng bán độ, tiêu cực ở cơ quan này, địa phương nọ, đến cả chuyện khủng bố ở Irag, chiến tranh ở Libya, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên…
     Nhưng nguyên nhân chính làm cho Mạnh suy kiệt là do cuộc hôn nhân thất bại. Như những đám cưới thời Internet, sống với nhau chưa được bao lâu, Mạnh nhận ra giữa hai vợ chồng có nhiều điểm không hợp. Vợ anh mở ki ốt bán hàng mỹ phẩm, thu nhập khá. Cô ta thích cuộc sống hưởng thụ: ăn mặc phô trương, son phấn, tiệc tùng, karaoke, hát nhạc sống… Mạnh to nhỏ khuyên nhủ cũng chẳng ăn thua. Anh cố sức chịu đựng, mong một ngày nào đó có con, vợ anh sẽ hồi tâm chuyển ý. Nhưng sự đời lại không được như mong muốn. Nhất là trong thời buổi điện thoại di động, khẩu trang, nhà nghỉ…Vợ anh lên giường cùng gã đàn ông lắm tiền nhiều của, ăn chơi có tiếng ở thị xã. Tin đồn tới tai, Mạnh gạn hỏi, cô ả trơ tráo, giọng thách thức: “Đúng vậy đó ! Anh muốn làm gì thì cứ làm ! Sống với anh, tôi chán ngấy đến tận cổ. Lấy nhau tới giờ, anh lo được gì cho cái nhà này ? Tiền bạc chi phí cũng một tay tôi cả. Đồng lương còm không đủ lo thân anh nữa là… ”. Mạnh tức nghẹn, không nói được một lời. Khi nay, anh vẫn nín nhịn, chưa hề to tiếng với vợ. Giờ cô ta càng được nước lấn tới. Những ngày tiếp theo, cô ả tiếp tục đi lại với gã kia không còn coi anh ra gì, bất kể tai tiếng... Quá mức chịu đựng, không còn cách nào khác, Mạnh đưa đơn ly hôn. Cô ta xì một tiếng, thò tay cầm bút kí cái rẹt, bộ điệu ngúng nguẩy với lấy cái xắc treo trên móc tường, đi thẳng ra cửa. Mạnh nhìn theo, thở dài,  lòng tê tái. Tình nghĩa vợ chồng đầu ấp tay gối bấy lâu nay không có chút ý nghĩa gì với người đàn bà đó…
     Buồn. Mạnh sa đà vào bia rượu. Uống triền miên. Có khi say mèm. Bạn nhậu phải đưa về. Sáng hôm sau gật gà gật gưỡng đến cơ quan, bị trưởng phòng nhắc nhở. Bạn bè khuyên “ Mày sao thế ? Đau khổ vì con đàn bà hư đốn à ? Quên phức nó đi” Quên ! Mạnh cũng muốn lắm. Giá mà anh có thể quên được một cách dễ dàng. Ông Chủ tịch công đoàn vốn thân tình, gặp riêng anh nói:
           - Cậu coi chừng bị stress đó. Xin nghỉ phép đi, thay đổi không khí một chuyến.
           - Tôi đi cũng được, nhưng còn công việc…
           - Lại công việc, ông Chủ tịch công đoàn ngắt lời, cậu tưởng không có cậu, công việc cơ quan đình trệ chắc? Không mợ thì chợ vẫn đông. Sếp sẽ bố trí người làm thay phần việc của cậu. Yên tâm đi.

 

       Mạnh chọn địa điểm cho kì nghỉ là quê ngoại, một cái làng ven biển. Từ thị xã anh ở đi xe máy đến đấy, tốc độ bình thường mất gần hai giờ. Ông ngoại mất từ lâu. Còn bà ngoại đang sống với vợ chồng người cậu. Tuổi thơ của anh cũng đã từng gắn bó với nơi này. Hồi còn đi học, vào dịp nghỉ hè, Mạnh thường về quê chơi với đám bạn nhỏ, đi dạo dưới hàng thông lưa thưa, gió vi vu, đuổi bắt còng trên bãi cát trắng ven bờ biển… Quê ngoại đã trở thành một vùng du lịch nổi tiếng. Mạnh lái xe máy chạy trên con đường tráng nhựa phẳng lì. Chỗ này, Khách sạn Hương Biển tráng lệ, chỗ kia, nhà hàng đặc sản, quán cà phê giải khát giăng giăng …Mạnh rẽ vào một xóm chài cũ kĩ trông như cách biệt với khu du lịch hiện đại mới mọc lên. Nhà ngoại đây rồi. Mạnh dắt xe qua cổng, vào khoảng sân rộng. Một đứa bé trai chừng hơn mười tuổi, da đen nhẻm, bước nhanh qua bậc cửa đứng trên thềm, cười tít mắt. Mạnh nhận ra  thằng con út của cậu anh. Bà ngoại, cậu mợ cùng ra theo. Ngoại hấp háy đôi mắt, nheo nheo nhìn anh:
   
    
     - Cha mầy. Khi nay đi đâu mất biệt. Chờ tao chết rồi mới về thăm hay sao ?
      Mạnh xúc động ôm lấy ngoại, nắm bàn tay nhăn nheo. Ngoại đã yếu đi nhiều. Trước đây, có lần, má anh nói ngoại dạo rày đau ốm luôn. Mạnh nghe nhưng bị cuốn vào công việc, thêm chuyện buồn xảy ra trong nhà khiến anh quên mất. Anh tự trách mình thật quá vô tình. Cậu anh nói xen vào:
       - Bà nói vậy chớ không trách cháu đâu. Nhận được điện thoại của cháu, bà mừng lắm. Cháu vào nhà cất đồ đạc, tắm rửa rồi nghỉ ngơi, có gì sau hãy nói.
      Gia đình cậu mợ tiếp đón Mạnh thật nồng hậu. Anh ở trên căn gác xép có cửa sổ trông ra biển. Ngồi ở đây, anh có thể ngắm toàn cảnh bãi tắm, biển xanh, những con sóng vỗ liên tục vào bờ, những đụn cát nhấp nhô…Cậu anh dặn đi dặn lại:
         - Cháu tắm biển phải cẩn thận. Khách phương xa đến tắm thỉnh thoảng có người chết đuối. Cháu coi kĩ. Chỗ nào có sóng trắng xô vào bờ là tắm được. Chỗ không sóng, nước xanh rì có vực xoáy ngầm, hết sức nguy hiểm, rơi vào coi chừng bị cuốn ra biển. Gần đây, người ta mới phát hiện được vực xoáy đó, nhưng không hiểu sao vẫn chưa có đội cứu hộ hoặc biện pháp nào bảo vệ du khách.
      Người cậu làm nghề chài lưới. Từ lúc Mạnh đến ở, mỗi lần ra khơi về ông thường xách theo ít cá, mực tươi đưa cho vợ làm những món nhắm hai cậu cháu  ngồi nhậu. Những món đặc sản biển tươi ngon thật tuyệt. Ăn vào ngọt cả miệng. Người cậu kể nghề chài lưới ngày càng khó khăn. Có người chuyển nghề kinh doanh các dịch vụ ăn theo du lịch. Không ít người khá lên. Còn ông vẫn bám trụ vì đi biển vừa là cơm áo gia đình vừa là niềm vui thú mà những người dân chài thâm niên như ông không thể dứt bỏ được…Người cậu uống rượu rất khỏe. Sức trai trẻ như Mạnh cũng không theo kịp. Ở được một tuần, chiều hôm đó, Mạnh ra khu du lịch chơi. Anh đảo mắt quan sát chọn cảnh chụp ảnh, quay camera lưu lại kỉ niệm chuyến đi. Đang đi, bỗng một giọng nữ gọi:
     - Mạnh!  Mạnh! 
    Hai cô gái ngồi uống cà phê ở cái bàn ngoài cùng dưới bóng mát hàng dừa. Một cô vẫy tay ra hiệu. Phượng! Đúng là Phượng “Rambo”. Trước kia, Phượng là đồng nghiệp làm kế toán cùng phòng với Mạnh. Được vài năm, Phượng chuyển về công ty xây dựng tư nhân ở huyện bên cạnh. Công ty này do người chú ruột làm giám đốc. Khi còn làm việc chung với nhau, Phượng được đồng nghiệp cùng phòng yêu mến. Một kẻ vui miệng đặt Phượng cái biệt danh là “Rambo” bởi vóc dáng cao lớn như đàn ông. Phượng cũng không phiền lòng. Đùa riết thành quen. Tính Phượng xởi lởi, chân thành, ít giận ai, giận không lâu, rất hào phóng, chơi với bạn bè không tính toán. Về nơi công tác mới, ngày lễ tết, Phượng thường gửi tin nhắn chúc mừng Mạnh. Ngày lễ valentine, Mạnh nhắn “Chúc Phượng tìm được một nửa của mình”. Phượng nhắn lại “ Ế rồi…Hu! Hu!...” Phượng cùng tuổi với Mạnh, cô ta vẫn phòng không.
    Mạnh bước tới nơi. Phượng đứng đậy đưa cả hai tay bắt lấy tay Mạnh:
     - Ông tướng làm gì ở đây vậy ?
     - Đang nghỉ phép, về quê ngoại thay đổi không khí. Còn Phượng ?
     - Mình đi chơi cho đời bớt chơi vơi.
   Vẫn cách nói tếu quen thuộc. Mạnh không nhịn được cười. Ngày ấy, Phượng đặt cho mỗi người trong phòng một cái tên để gọi. Trưởng phòng là “ lão đại”, anh là “ông tướng’… Phượng chỉ chiếc ghế trống:
      - Ngồi xuống đi.
     Cô tiếp viên tiến lại. Phượng hỏi:
      - Ông tướng uống gì ?
      - Cà phê đen.            
    Phượng chỉ cô gái bên cạnh giới thiệu:
      - Đây là Nguyệt Hà, cứ coi như là em gái mình. Còn đây là Mạnh, bạn chị.
     Nguyệt Hà lí nhí:
      - Chào anh.
    Cô tiếp viên bưng ly cà phê lại. Mạnh bỏ đường vào ly, khuấy đều. Phượng hỏi anh đủ thứ chuyện. Mạnh vừa trả lời vừa kín đáo nhìn Nguyệt Hà đang dựa vào ghế, gương mặt thờ thẩn, có vẻ không chú ý đến mọi việc chung quanh. Mạnh uống một hớp cà phê, anh quay sang Nguyệt Hà gợi chuyện:
     - Nguyệt Hà quê ở đâu?
     - Dạ, Em ở thành phố Hồ Chí Minh, cô đáp, giọng Sài Gòn không lẫn đâu được.
     - Em ra đây du lịch à?
     - Không phải, em có việc…..
    Mạnh định hỏi thêm vài câu nữa nhưng trông thái độ miễn cưỡng của Nguyệt Hà, anh lại thôi. Dường như cô có một nỗi buồn nào đó trong lòng. Anh tiếp tục trò chuyện với Phượng. Với “Rambo” thì có nói cả buổi cũng chưa hết chuyện. Lát sau, Nguyệt Hà nói:
     - Em có việc, xin phép về trước.
   Phượng mở cái xắc lấy chiếc chìa khóa đưa cho Nguyệt Hà.
     - Chìa khóa phòng đây, tí chị về sau.
     Nguyệt Hà gật đầu chào Mạnh rồi đi về phía khách sạn Hương Biển. Phượng thở dài trông theo. Mạnh thắc mắc:
     - Có chuyện gì đã xảy ra với Nguyệt Hà vậy?
    Giọng Phượng xúc động:
     - Nói thật với Mạnh, mình không có nhã hứng tới đây ngắm biển đâu. Vì Nguyệt Hà đấy! Không thể để Nguyệt Hà đi một mình. Chuyện là vầy. Nguyệt Hà là bạn gái của em trai mình. Cậu em mình tốt nghiệp đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh rồi tìm được việc làm trong đó. Nguyệt Hà học trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, ra trường làm ở công ty du lịch. Tụi nó quen nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Cậu em mình đưa Nguyệt Hà về ra mắt gia đình và thưa chuyện với ba má. Cả gia đình mình đều đồng ý. Tuy mới tiếp xúc, ai cũng mến Nguyệt Hà. Người khó tính nhất là má mình cũng phải thừa nhận: “ Con bé xinh xắn, gương mặt có hậu, ăn nói lễ phép, biết kính trọng người lớn kẻ nhỏ. Tao coi cũng khá đó.”. Cậu em mình đưa Nguyệt Hà xuống bãi biển này chơi. Nguyệt Hà ngồi trên bờ, cậu em mình xuống tắm, ai ngờ, bị sóng cuốn ra biển, không tìm được xác. Thật đau xót! Chuyện xảy ra đã ba năm rồi. Năm nào cũng vậy, đến ngày đám giỗ cậu em, Nguyệt Hà từ thành phố Hồ Chí Minh ra trước một ngày, tìm đến chỗ bờ biển đó mà ngồi từ chiều cho cho tới tối.
       - Như vậy, ngày mai là ngày đám giỗ cậu em?
       - Ừ. Bởi vậy, hôm nay, bọn mình mới tới đây.
     Gương mặt Phượng sầm xuống. Mắt ươn ướt… Mạnh lên tiếng :
       - Thật tội nghiệp cho Nguyệt Hà!
      Phượng cười gượng gạo :
       - Mỗi lần nhớ lại cảnh hôm ấy, tự dưng mình trào nước mắt. Nguyệt Hà không còn nước mắt để khóc, người vật vã rũ rượi. Có kẻ nói rằng khóc nhiều là mau quên. Nguyệt Hà không như vậy. Sau này, có lần, mình khuyên Nguyệt Hà cuộc đời còn trẻ, nên nghĩ về tương lai, hãy quên cậu em xấu số của mình đi. Mạnh biết không, Nguyệt Hà nhìn mình thật lạ lùng, giọng ráo hoảnh: “ Sao chị nói với em như vậy ? Chị tàn nhẫn lắm !”. Không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, Nguyệt Hà giận mình mấy tháng trời. Mình năn nỉ mãi mới chịu làm lành. Trên đời có những chuyện không sao hiểu nổi.
      - À! Chừng nào về nhà? Mạnh hỏi
      - Tối nay ngủ khách sạn một đêm. Sáng mai, bọn mình đi sớm.
    Chuyện về Nguyệt Hà qua lời kể của Phượng không hiểu sao cứ trở lại trong đầu Mạnh trên đường về. Anh nhớ đến truyền thuyết chuyện nàng Tô Thị lên núi Vọng Phu chờ chồng đến hóa đá. Chuyện Nguyệt Hà cũng cảm động không khác gì nàng Tô Thị ngày xưa. Không ngờ chuyện cảm động đó lại hiển hiện giữa cái thời buổi mà tình cảm con người rất dễ thay đổi bởi sự toan tính tầm thường…Chiều hôm đó, cơm nước xong, Mạnh đi ra bờ biển. Gió biển lồng lộng thổi thốc vào người. Chất mặn thấm vào môi. Anh cứ đi. Bước chân in trên cát. Lê thê. Vô định. Vài chòm mây trắng lừng lửng trên bầu trời như chùng xuống in loang loáng trên mặt biển xanh thẳm. Những chiếc thuyền chài xa xa nhấp nhô trên mặt biển. Du khách và những người bán hàng rong lục tục kéo về, bãi biển vắng dần. Những tia nắng cuối cùng đã tắt. Cảnh vật đi vào hoàng hôn. Một màu tím hưng hửng, lan tỏa rồi bao trùm cả mặt biển mênh mông. Mạnh cũng đã từng ra ngồi ngắm không biết chán cái chân trời tím bao la đó.... Mạnh dừng bước khi chợt trông thấy một cô gái đang ngồi trên triền cát, cằm tựa lên gối, mái tóc bay lòa xòa theo gió, mắt nhìn đăm đăm ra biển. Nguyệt Hà ! Không nhầm lẫn được. Mạnh bước tới. Nguyệt Hà nhìn Mạnh, ngạc nhiên. Mạnh lên tiếng:
     - Anh không quấy rầy Nguyệt Hà chứ?
    Nhận ra Mạnh. Cô lắc đầu:
    - Không đâu anh.
    Mạnh ngồi xuống bên cạnh. Anh nhỏ nhẹ:
    - Anh đã nghe Phượng kể về chuyện bất hạnh của Nguyệt Hà…
    Mạnh bỏ dở câu nói. Đôi mắt Nguyệt Hà đỏ lên. Cô thở dài não ruột. Mạnh hỏi :
    - Cậu ấy mất chỗ nào?
    Nguyệt Hà chỉ ra chỗ không thấy sóng vỗ vào bờ. Mạnh nhớ lại lời của người cậu. “ Chỗ không sóng, nước xanh rì có vực xoáy ngầm, rơi vào coi chừng bị cuốn ra biển”. Mạnh nói tiếp:
     - Nguyệt Hà cứ mãi đau khổ như thế này, cậu ấy nếu biết được cũng không vui đâu. Có ai muốn người mình yêu ủ rũ, héo hon bao giờ?
     - Em cũng không biết phải làm sao nữa. Cứ nghĩ tới buổi chiều định mệnh đó, em không kìm giữ được lòng mình. Chúng em ngồi bên nhau. Ảnh muốn xuống tắm. Em linh cảm có sự chẳng lành. Em cố ngăn cản nhưng ảnh vẫn không nghe. Ảnh còn nói :“ Em khéo lo. Lâu ngày về nhà, đã xuống tới biển mà không tắm anh thấy bứt rứt trong người” Bước xuống nước, ảnh còn quay lại cười với em…Ảnh nhoài người bơi trên mặt nước, bỗng chới với…rồi mất hút…Em căng mắt nhìn, không thấy ảnh đâu. Điếng người, em vừa chạy vừa gào lên. Nhiều người đổ xô lại, em té nhoài xuống mép nước và không còn biết gì nữa.
     Đôi mắt Nguyệt Hà thêm ảo não. Giọng cô nghẹn ngào:
      - Ảnh hứa chăm sóc, bảo bọc cho em, yêu thương em hết cuộc đời này. Vậy mà, ảnh bất ngờ bỏ đi, em chỉ còn lại một mình. Em căm ghét biển. Biển đã cướp mất ảnh. Biển đã chia lìa chúng em…
       Ngừng lại một chặp, Nguyệt Hà nói tiếp, giọng trầm xuống như là thủ thỉ với chính mình:
       - Anh biết không, lần đầu tiên em nhìn thấy cái màu tím trên biển. Màu tím thật kì ảo. Biết đâu từ chân trời tím ấy, ảnh sẽ đột ngột hiện ra, sẽ về với em, đến bên em, ôm lấy em… Nỗi đau đớn dày vò em thì ra chỉ là một giấc mơ hãi hùng…


     
    Nguyệt Hà vẫn trông ra biển. Cô đang đuổi theo những ảo vọng không thể có được trong cuộc đời này. Nhưng trong mắt cô lại có cả niềm say mê cháy bỏng. Niềm say mê từ một thứ tình yêu có chất men say khiến con người vượt thoát khỏi mọi sợi dây ràng buộc tầm thường, giả dối để mê đắm với nó, để tận hưởng những cảm xúc diệu kì. Và lúc này Mạnh nhận ra người đàn bà từng đi qua đời anh, gây cho anh nhiều khổ lụy bổng trở nên nhợt nhạt xa xôi...
    - Em đi về, chào anh.
     Nguyệt Hà đứng lên, lầm lũi đi theo triền cát tới chỗ con đường dẫn về khách sạn. Mạnh đứng yên, lòng xốn xang. Anh nhìn theo cho tới khi bóng cô khuất dần. Số phận oái oăm đưa đẩy anh đến bên Nguyệt Hà, nghe cô chia sẻ nỗi buồn riêng ẩn nơi sâu thẳm cõi lòng để rồi chỉ còn một mình anh với sự cô đơn trống rỗng. Nguyệt Hà rồi sẽ mất hút giữa cuộc đời rộng lớn như cái màu tím trên biển dần biến mất trong bóng đêm. Biết bao giờ gặp lại Nguyệt Hà nữa ? Biết bao giờ có được giây phút ngồi bên cô cùng ngắm màu tím ảo huyền trên biển lúc hoàng hôn để nghe xao xuyến dâng trào. Cái giây phút đến bất chợt đó có lẽ sẽ mãi sống trong anh và như một phép màu nhiệm giúp anh xóa đi nỗi chán chường đeo đẳng tháng ngày qua.
                                                         
                                                          








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét